Đây được coi là một sự kiện quan trọng trong năm hữu nghị Việt – Nhật 2013, được tổ chức nhằm đánh giá tổng kết thành quả hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế và là cơ hội để hai bên thảo luận về các ưu tiên của ngành y tế cũng như định hướng hợp tác trong tương lai.

Hợp tác y tế hai nước được mở đầu bằng dự án viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản để xây bệnh viện Chợ Rẫy hoàn thành vào tháng 6/1974. Trong thời kỳ những năm 1975, Nhật Bản vẫn tiếp tục cung cấp thiết bị y tế cho Việt Nam tuy ở mức độ khiêm tốn. Sau khi ODA của Nhật Bản được nối lại cho Việt nam vào năm 1992, y tế luôn là một lĩnh vực ưu tiên cao trong hợp tác song phương.

Một loạt các dự án viện trợ không hoàn lại quy mô lớn để cung cấp trang thiết bị khẩn cấp cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, cung cấp vắc xin và các thiết bị cho chương trình Tiêm chủng mở rộng được thực hiện trong những năm 1993 – 2008.

Bên cạnh đó, các bệnh viện trọng điểm tại 3 miền (Bạch Mai, Trung ương Huế, Chợ Rẫy) cũng đã được tiếp nhận viện trợ không hoàn lại để nâng cấp cơ sở vật chất và hiện đại hóa trang thiết bị y tế.

Không chỉ hỗ trợ phần cứng, công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cho các bệnh viện cũng được JICA đặc biệt chú trọng thông qua nhiều dự án hợp tác kỹ thuật – nơi nhiều chuyên gia Nhật Bản có kinh nghiệm đã được cử sang giúp chuyển giao kỹ thuật trong các lĩnh vực lâm sàng và quản lý bệnh viện.

Từ năm 2006, công tác đào tạo cho cán bộ y tế tuyến tỉnh được JICA đặc biệt quan tâm, thông qua các dự án hợp tác với 3 bệnh viện trọng điểm. Cũng từ năm 2006, vốn vay ưu đãi ODA đã được JICA bắt đầu cung cấp cho các bệnh viện khu vực và tuyến tỉnh để mua sắm trang thiết bị và đào tạo cán bộ.

Về lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm, thông qua JICA, Chính phủ Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng được nhà máy sản xuất vắc xin sởi hiện đại nhất Đông Nam Á năm 2006, sau đó, chuyển giao thành công kỹ thuật sản xuất vắc xin sởi cho Việt Nam năm 2009.

Hiện tại, hàng năm khoảng 2,5 triệu liều vắc xin sởi được cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Từ cuối tháng 5 năm nay, dự án chuyển giao kỹ thuật sản xuất vắc xin kết hợp Sởi – Rubella sẽ tiếp tục được thực hiện, và cho tới năm 2018, vắc xin kết hợp Sởi – Rubella sẽ được đưa ra thị trường.

Bên cạnh đó, JICA cũng đang cùng hợp tác với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện dự án Hợp tác kỹ thuật Tăng cường năng lực mạng lưới các phòng xét nghiệm về an toàn sinh học và kỹ năng xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm.

Ngoài 2 mảng hợp tác lớn nêu trên, JICA còn có dự án hỗ trợ người khuyết tật thông quan dự án Tăng cường dịch vụ phục hồi chức năng tại các tỉnh miền Nam và giúp nâng cao sức khỏe bà mẹ trẻ em thông qua dự án phổ biến sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em tại 4 tỉnh điểm là Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang.

Hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam được hai bên đánh giá là rất toàn diện trên cả hai phương diện phần cứng và phần mềm, đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống các bệnh viện trên toàn quốc.

“Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục duy trì và phát huy các thành quả hợp tác, góp phần giúp Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, qua đó, giúp Việt Nam xây dựng đất nước giàu mạnh và thịnh vượng. Đầu tư cho y tế chính là đầu tư cho tương lai”, Ông Tsuno Motonori – trưởng đại diện JICA Việt Nam chia sẻ.

Cũng tại diễn đàn, đại biểu hai nước thảo luận về những ưu tiên phát triển của ngành y tế, định hướng hợp tác với Nhật Bản và sự tham gia của các công ty tư nhân Nhật Bản vào y tế Việt Nam./.

Lê Vân