Số dự án tăng vốn và đăng ký mới đều không bằng cùng kỳ, nhưng số vốn lại nhiều hơn. Cụ thể, có 341 dự án mới đăng ký (bằng 89,5% cùng kỳ) với số vốn đầu tư cam kết là hơn 4,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Số dự án tăng vốn là 121 (bằng 72,9% so với cùng kỳ) với số vốn tăng là hơn 3,34 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ.

Vốn giải ngân vẫn duy trì tốc độ khá ổn định, tăng 3,9% so với cùng kỳ, đạt 3,7 tỷ USD trong cả 4 tháng đầu năm.

Vẫn luôn chiếm vị trí đầu, công nghiệp chế biến chế tạo đã thu hút được hơn 7,4 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm hơn 90% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đứng ở vị trí thứ hai là bất động sản với hơn 307 triệu USD (chiếm hơn 3,7%); tiếp đó là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa đạt 127,62 triệu USD (chiếm 1,6%)...

Nhật Bản vẫn đang chứng tỏ là nhà đầu tư quan trọng tại Việt Nam khi chiếm hơn 44,2% tổng vốn FDI trong 4 tháng đầu năm, đạt hơn 3,6 tỷ USD. Singapore đứng ở vị trí thứ 2 khi đầu tư hơn 2,3 tỷ USD, chiếm 28,4%. Mặc dù chỉ đạt hơn 1 tỷ USD (chiếm 12,4%), nhưng với Dự án trị giá 1 tỷ USD của Công ty TNHH Bus Industrial Center do nhà đầu tư Liên bang Nga làm chủ để xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ôtô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác tại Bình Định đã đưa Nga là nước có vốn FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.

Chỉ có duy nhất 1 dự án trong 4 tháng đầu năm, đó là Dự án của Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của nhà đầu tư Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD đã đưa Thanh Hóa là địa phương có vốn FDI lớn nhất nước, chiếm 34,1%. Luôn đứng ở vị trí đầu nhưng hiện Bình Dương tạm đứng ở vị trí thứ 4 khi chỉ thu hút được hơn 572 triệu USD (chiếm 7%). Đứng ở vị trí thứ 2 là Thái Nguyên với hơn 2 tỷ USD, chủ yếu đến từ Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử. Dự án tỷ đô của Công ty TNHH Bus Industrial Center cũng đã đưa Bình Định ở vị trí thứ 3 trong thu hút FDI.

Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 4 tháng đầu năm 2013 đạt hơn 25,5 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 64,69% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 23,046 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 58,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực FDI 4 tháng đầu năm đạt 21,763 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ và chiếm hơn 54,16% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 4 tháng đầu năm, khu vực FDI đã xuất siêu hơn 3,3 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 722 triệu USD./.

Anh Đức