Đó là thông tin được nêu tại Dự thảo thông tư quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và chi phí lựa chọn nhà đầu tư đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp.

Theo Dự thảo, quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP bao gồm: Quản lý, sử dụng chi phí chuẩn bị đầu tư và chi phí thực hiện dự án của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP; hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP; phương án tài chính của dự án PPP

Quản lý tài chính đối với dự án PPP cũng bao gồm: Hướng dẫn lập kế hoạch đối với phần vốn thanh toán cho nhà đầu tư sử dụng nguồn chi thường xuyên và nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công; thanh toán vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án PPP; hướng dẫn xác định giá trị tài sản công tham gia trong dự án PPP; hướng dẫn xác định giá trị phần vốn đầu tư công đã đầu tư của dự án đầu tư công được chuyển sang đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP; quyết toán giá trị công trình dự án PPP hoàn thành.

Theo Dự thảo, chi phí trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư bao gồm: Chi phí lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; chi phí thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; chi phí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; chi phí thẩm định kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Việc quản lý, sử dụng chi phí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.

Vốn góp của Nhà nước được thanh toán sau khi dự án được nghiệm thu và nhà đầu tư đã giải ngân 50% vốn chủ sở hữu

Dự thảo thông tư cũng đã quy định về thanh toán vốn góp của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP. Theo đó, nguồn vốn của Nhà nước tham gia trong dự án phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dự án về nội dung hỗ trợ, nguồn vốn, tiến độ thanh toán. Vốn góp của Nhà nước chỉ thanh toán sau khi có khối lượng đầu tư xây dựng hoàn thành đã được nghiệm thu và nhà đầu tư đã giải ngân 50% phần vốn chủ sở hữu cam kết trong hợp đồng dự án PPP. Mức vốn thanh toán tính theo tỷ trọng các nguồn vốn đầu tư đã quy định trong hợp đồng dự án so với giá trị khối lượng đầu tư xây dựng hoàn thành đã nghiệm thu và kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Cơ quan nhà nước được giao quản lý vốn đầu tư công của Nhà nước chịu trách nhiệm lập báo cáo quyết toán đối với phần vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; trình cấp có thẩm quyền thẩm tra và phê duyệt để làm căn cứ quyết toán dự án hoàn thành. Đồng thời, có trách nhiệm tổng hợp những khoản chi hàng năm phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các hoạt động quy định vào quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của Bộ Tài chính.

Hàng năm, định kỳ hoặc đột xuất, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan tài chính các cấp tổ chức kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Nhà nước thực hiện dự án PPP. Định kỳ hàng quý, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm báo cáo cơ quan được giao quản lý phần vốn đầu tư công của Nhà nước tình hình sử dụng phần vốn của Nhà nước tham gia dự án PPP.

Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP như sau: bộ, ngành, UBND cấp tỉnh chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp để hỗ trợ công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án PPP phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách, pháp luật về quản lý nợ công và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Chi phí chuẩn bị đầu tư của dự án PPP mà Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đã thực hiện phải được quy định trong hồ sơ mời thầu.

Sau khi hợp đồng PPP được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trúng thầu (hoặc nhà đầu tư trúng thầu và doanh nghiệp dự án), nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm hoàn trả nguồn chi phí chuẩn bị đầu tư của dự án PPP cho bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đã thực hiện theo hồ sơ mời thầu.

Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ưu tiên bố trí nguồn thu do nhà đầu tư hoàn trả chi phí chuẩn bị đầu tư để tạo nguồn chuẩn bị đầu tư cho các dự án PPP tiềm năng khác. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư phải phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công và các pháp luật khác có liên quan.

Đối với nguồn vốn huy động không phải là ngân sách nhà nước và nhà cung cung cấp vốn có quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư khác với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tự chịu trách nhiệm về huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn này. Trường hợp cần thiết phải ban hành quy định riêng, bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề xuất, phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành.

Cũng theo Dự thảo, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được tính từ thời điểm dự án được cấp có thẩm quyền cho phép đi vào vận hành, khai thác.

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tính toán trong giai đoạn lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu được xác định trên cơ sở khung lợi nhuận của dự án PPP do bộ, cơ quan ngang bộ ban hành và lợi nhuận của các dự án PPP tương tự khác (nếu có)./.