Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) và vốn vay một cách hiệu quả, tạo đột phá về giải ngân cho các chương trình, dự án trong năm 2013.

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay giải ngân chậm, có nhiều vướng mắc, khó khăn để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tổng kết, đánh giá toàn diện công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong 20 năm qua; xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn để kịp thời áp dụng Nghị định thay thế Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ sau khi được ban hành.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 106/QĐ-TTg, ngày 19/01/2012, phê duyệt Đề án: "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ". Theo Đề án, có 8 ngành và lĩnh vực được ưu tiên thu hút và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ trong thời kỳ 2011 - 2015 gồm: (1) Hỗ trợ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại; (2) Hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng xã hội; (3) Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức; (4) Phát triển nông nghiệp và nông thôn; (5) Hỗ trợ xây dựng hệ thống luật pháp và thể chế đồng bộ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (6) Hỗ trợ bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; (7) Hỗ trợ thúc đẩy đầu tư, thương mại và một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; (8) Hỗ trợ theo địa bàn lãnh thổ.

Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2011 - 2015 được dự kiến số vốn cam kết đạt khoảng 32 - 34 tỷ USD, vốn giải ngân khoảng 14 - 16 tỷ USD (tương đương khoảng 6% tổng đầu tư xã hội), trong đó khoảng 50% vốn giải ngân từ các chương trình và dự án ký kết trong giai đoạn 2006 - 2010 chuyển sang. Như vậy, bình quân hàng năm trong thời kỳ 2011 - 2015 vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân sẽ đạt khoảng 2,8 - 3,2 tỷ USD./.

Anh Đức