Tây Bắc là khu vực quan trọng và giàu tiềm năng, nhưng lại là vùng còn nhiều khó khăn nhất đất nước. Bởi vậy, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Tây Bắc trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, trước hết cần phải xây dựng được cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh, kết nối giữa các địa phương trong vùng với cả nước.

Đây là những nội dung chính được đề cập trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Bắc năm 2013 với chủ đề “Khơi dậy và liên kết tiềm năng” được tổ chức vào ngày 3/4, tại Tuyên Quang do Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Tuyên Quang.

Tới tham dự có Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, đại diện các bộ, ngành Trung ương và 14 tỉnh vùng Tây Bắc cùng nhiều ngân hàng thương mại, tập đoàn kinh tế…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Tây Bắc là khu vực giàu tiềm năng và quan trọng, nhưng đồng thời là vùng có nhiều khó khăn nhất đất nước. Và “mấu chốt” nằm ở 3 vấn đề, đó là:

Thứ nhất, về kết cấu hạ tầng, cần có các hình thức đầu tư khác nhau BOT, PPP đầu tư các tuyến đường huyết mạnh. Cần khai thông nhanh đương cao tốc Nội Bài - Lào Cai để thông ra tuyến được Côn Minh, tuyến đường xuyên Á. Ngoài ra, các tuyến đường từ các địa phương xa xôi qua tuyến đường cao tốc, ví dụ như Lai Châu. Ngoài ra, cần có sự kết nối quốc lộ và tỉnh lộ, cần kết nối theo vùng,

Thứ hai, đầu tư cho sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. An sinh xã hội phải hướng tới giảm nghèo bền vững, không những là trợ cấp mà đầu tư cho sản xuất phát huy các thế mạnh nông - lâm nghiệp, du lịch. Đặc biệt, du lịch là ngành có tiềm năng đa dạng với các nền văn hóa nhiều màu sắc, do đó cần phát huy lợi thế này. Ngoài ra, còn các ngành công nghiệp dịch vụ, như dịch vụ logictics cho hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng.

Thứ ba, vấn đề nguồn nhân lực, bao gồm nhân lực chuyên gia và người lao động tay nghề cao để sẵn sàng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư.phù hợp. Bộ KHĐT đã và đang làm nhiều việc để tham mưu cho Chính phủ đầu tư các cơ chế chính sách. Hiện có 2,45 tỷ USD đang đầu tư ở khu vực Tây Bắc.

Đây là lần đầu tiên Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc có sự tham gia của phía ngân hàng và nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành nhất từ trước đến nay. Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cam kết sẽ hỗ trợ Tây Bắc để tổ chức hội nghị xúc tiến hàng năm nhằm đưa tỉnh này thoát nghèo và tận dụng các lợi thế phát triển kinh tế, xã hội.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, các ngân hàng thương mại sẽ ký kết 14 hợp đồng đầu tư với số vốn lên tới 19.078 tỷ đồng và 35 triệu USD vào Tây Bắc. Các lĩnh vực thế mạnh của vùng sẽ được ưu tiên đầu tư, như: xây dựng thủy điện, khai khoáng, luyện kim, may mặc, phát triển cây cao su tại khu vực này.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cũng tin rằng nếu phát triển những tiềm năng và lợi thế, Tây Bắc sẽ là một trong những nơi mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Theo bà, khu vực này chưa khai thác hết tiềm năng to lớn của mình với nhiều khoáng sản, đặc biệt đất hiếm và có nguyên liệu giá trị trên thế giới. Đại diện WB cho hay, cần khuyến khích thêm khu vực tư nhân cùng nhau thực hiện các dự án trồng rừng. Tuy nhiên, để có sự kết nối giữa tư nhân và nhà nước, theo bà Kwakwa trước tiên phải đẩy nhanh tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV kiến nghị, cần sớm có cơ chế đặc thù và chính sách ưu đãi với khu vực Tây Bắc, cần có chương trình, cơ chế chính sách minh bạch, ưu đãi hoạt động cụ thể. “Chứ không thể “tiếp tục nghiên cứu tiếp thu”nhưng 5 năm sau vẫn không có thay đổi”, ông nhấn mạnh./.

Lê Huy