Ngày 2/4, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) đã chính thức công bố khởi động “Dự án Quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp (KCN) thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ - Đáy”, với tổng vốn vay IDA 50 triệu USD từ WB (vốn đối ứng của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam là 8,85 triệu USD).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, bên cạnh những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói trên, phát triển công nghiệp nói chung và hệ thống các KCN nói riêng ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải và khí thải công nghiệp.

Nhận thức được tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra nhiều chủ trương, chính sách và các chương trình hành động nhằm xây dựng nền “công nghiệp xanh” theo hướng hiện đại và bền vững; gắn các mục tiêu bảo vệ môi trường với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường xây dựng các hệ thống kiểm soát ô nhiễm môi trường từ công nghiệp.

Bởi vậy, được sự hỗ trợ của WB, các bộ, ngành liên quan và 4 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự án quản lý ô nhiễm KCN thuộc lưu vực sông Đồng Nai, Nhuệ - Đáy” và được Chính phủ Việt Nam thông qua, WB đồng thuận tài trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi IDA 50 triệu USD. Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cũng cam kết vốn đối ứng thực hiện Dự án 8,85 triệu USD.

Cụ thể, về tiến trình thực hiện Dự án, ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho biết, dự án được thực hiện trong 5 năm (2013-2018) với mục tiêu nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng phát triển bền vững tại Việt Nam, đặc biệt là môi trường các KCN, ở vùng lưu vực sông Đồng Nai và sông Nhuệ - Đáy mà cụ thể là thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh dự án là Hà Nam, Nam Định, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai.

Dự án được kết cấu thành 3 Hợp phần:

Hợp phần 1: Tăng cường năng lực thể chế và thực thi, do Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường thực hiện.

Hợp phần 2: Thí điểm cho vay đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN, do Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện.

Hợp phần 3: Tăng cường năng lực cán bộ quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản.

Mục tiêu của Dự án sẽ đạt được thông qua việc thực hiện 3 hợp phần nêu trên nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc:

  1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về môi trường;
  2. Tăng cường năng lực thể chế, kỹ thuật về giám sát và thực thi;
  3. Hỗ trợ vay vốn ưu đãi xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung theo cơ chế cho vay dựa vào kết quả nhằm nâng cao chất lượng thiết kể và hiệu quả vận hành hệ thống;
  4. Tăng cường năng lực của các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và thực thi các tiêu chuẩn môi trường và các cơ quan thiết kế, vận hành hệ thống trạm xử lý nước thải tập trung./.

Lê Vân