FDI vào giáo dục: Vẫn rất khiêm tốn

Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 2/2013, lĩnh vực giáo dục - đào tạo cả nước thu hút 170 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký hơn 468 triệu USD. Quy mô tính trung bình trên một dự án còn quá thấp (khoảng 2,8 triệu USD), số dự án đầu tư quá ít (170/14.100 dự án), đứng thứ 17/18 ngành, lĩnh vực có vốn FDI tại Việt Nam.

Trong 170 dự án đang có hiệu lực, số lượng dự án thành lập các trung tâm đào tạo ngắn hạn có số lượng lớn nhất, với 103 dự án, chiếm 42,5% về tổng vốn đăng ký; cơ sở giáo dục phổ thông có 20 dự án, chiếm 33,2%; cơ sở giáo dục mầm non có 34 dự án, chiếm 9,4% về tổng vốn đầu tư. Điều đáng nói là cơ sở giáo dục đại học chỉ có 3 dự án, với tổng vốn đầu tư 57 triệu USD chiếm 12,1%, còn cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng ít không kém với 9 dự án, có tổng vốn đầu tư trên 10 triệu USD. Các cơ sở khác chỉ có 1 dự án duy nhất.

Về đối tác đầu tư, các nước có nền giáo dục - đào tạo hiện đại như: Singapore, Australia, Đài Loan, Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có nhiều dự án dạy nghề, dạy ngoại ngữ, dạy phổ thông tại Việt Nam. Đây là một điểm đáng mừng trong thu hút FDI vào giáo dục - đào tạo tại nước ta.

Điều đáng nói, các dự án chủ yếu tập trung vào hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, trong khi chưa có một dự án FDI vào dịch vụ giáo dục được thực hiện ở nông thôn. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh có 83 dự án với tổng vốn đầu tư 204,5 triệu USD, chiếm 48,8% về số dự án và chiếm 43,6% về tổng vốn đầu tư; Hà Nội có 58 dự án với 233 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 34,1% tổng số dự án và chiếm 49,7% về tổng vốn đầu tư. Tính riêng các dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục tại hai thành phố này đã chiếm tới 93,3% tổng vốn đăng ký. Điều này không có lợi bởi các nguyên nhân sau:

(i) Hiện nay, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, mật độ dân số ngày càng tăng, vì vậy giá tiền thuê đất cũng ngày càng leo thang, dẫn tới chi phí xây dựng dự án sẽ tăng.

(ii) Nếu ở hai thành phố lớn này ngày càng xuất hiện nhiều các trung tâm đào tạo của cả ở trong và ngoài nước sẽ dẫn tới nguy cơ nhu cầu thị trường bị bão hòa. Trong khi đó, ở vùng nông thôn, dù có lực lượng lao động dồi dào, với nhu cầu lớn về giáo dục, thì số dự án đăng ký cấp giấy phép đầu tư lại quá ít.

Nhưng, cũng đã phát huy nhiều hiệu quả

Có thể thấy, xu hướng đổi mới và phát triển giáo dục diễn ra ở quy mô toàn cầu đang tạo cơ hội tốt để giáo dục Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với các xu thế mới, những quan niệm, phương thức tổ chức mới, tận dụng được kinh nghiệm quốc tế để đổi mới và phát triển, khắc phục nguy cơ tụt hậu. Nhờ vậy, ngành giáo dục – đào tạo Việt Nam từng bước nâng cao trình độ, uy tín và năng lực cạnh tranh của mình trong khu vực và quốc tế.

Khi đón làn sóng FDI vào giáo dục cũng có nghĩa là nền giáo dục trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Chính sự cạnh tranh này buộc nền giáo dục trong nước sẽ phải có những thay đổi nhất định để không bị tụt hậu như chuyển qua chế độ học tín chỉ; cải tổ toàn bộ cách dạy ngoại ngữ trong trường, giáo viên chủ yếu nói tiếng Anh trong giờ học... Và, để có thể tự tin trong cạnh tranh với các đối tác nước ngoài, thì một trong những yêu cầu bắt buộc là phải quốc tế hóa đội ngũ giáo viên giảng dạy, gia tăng đội ngũ nguồn nhân lực từ nước ngoài vào không chỉ trong giảng dạy, mà còn trong công tác quản lý... Đây là cơ hội giúp chất lượng giảng dạy của Việt Nam tăng cao so với trước đó.

Mặc dù chưa nhiều dự án đầu tư, nhưng các cơ sở đào tạo có vốn FDI trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả rất đáng kể. Phần lớn các dự án là của các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Anh, Australia... là những nước có nền giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới, có bề dày lịch sử lâu đời. Bằng cấp của các nước này được công nhận và được coi như chuẩn mực cao trên toàn thế giới. Nhờ vậy, ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận được nền giáo dục quốc tế, với phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, học tập... tiên tiến, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên Việt Nam được theo học các chương trình chất lượng quốc tế ngay trên quê hương mình.

Đặc biệt, ở lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là tin học và ngoại ngữ, các dự án đều được triển khai rất nhanh, tạo được uy tín với học viên và góp phần nâng cao trình độ cho đông đảo người Việt Nam, nhất là đối với thanh niên. Nhờ vậy, người lao động có cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ lao động xuất khẩu ra nước ngoài, cũng như vào các khu chế xuất, khu công nghiệp và tăng khả năng được đào tạo ở nước ngoài, giúp cho người Việt Nam tiến nhanh hơn trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn thẳng vào sự thật là thu hút FDI vào giáo dục - đào tạo của nước ta vẫn còn chưa được như kỳ vọng. Quy mô các dự án nhỏ cùng lượng vốn đầu tư không nhiều, các dự án FDI vào giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện nay, nước ta có cơ cấu dân số rất trẻ, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động rất cao (tỷ lệ vàng), họ cần và tích cực tham gia vào quá trình giáo dục - đào tạo. Bên cạnh đó, tình trạng thừa lao động, nhưng thiếu việc làm, số lượng lao động tập trung nhiều vào nông nghiệp, nên lực lượng lao động này cần được đào tạo nghề để chuyển sang các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Điều đáng nói là, dù đang rất cần, nhưng việc xúc tiến đầu tư FDI vào lĩnh vực giáo dục chưa thực sự mạnh mẽ, các dự án giáo dục - đào tạo chưa thực sự được chú trọng trong việc xúc tiến, giới thiệu với nhà đầu tư nước ngoài.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư giáo dục

Để nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo, theo nghiên cứu của tôi, trước mắt cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các văn bản pháp quy về công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt xúc tiến đầu tư vào ngành giáo dục, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho hoạt động quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp, cũng như tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư ở cả trong và ngoài nước.

Thứ hai, cần xây dựng và triển khai ngay hoạt động xúc tiến đầu tư theo chuyên ngành giáo dục - đào tạo. Theo đó, cần có nghiên cứu và chuẩn bị thật tốt các thông tin về dự án kêu gọi đầu tư, cũng như thông tin về khả năng đầu tư của các đối tác để có sự vận động thích hợp, đặc biệt là việc theo sát, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ khi họ có ý định đầu tư tại Việt Nam. Để làm được điều này, việc cần thiết hiện nay là rà soát, hoàn thiện mô hình cơ quan xúc tiến đầu tư hiện tại ở các địa phương để cơ quan này có hiệu lực và hiệu quả hơn trong hoạt động tư vấn các nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận các dự án giáo dục - đào tạo. Tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng quốc gia đối tác, mà các cơ quan xúc tiến đầu tư có thể thành lập riêng bộ phận xúc tiến đầu tư vào ngành giáo dục của Việt Nam nhằm tăng hiệu quả hoạt động.

Theo ý kiến cá nhân tôi, các cơ quan quản lý về xúc tiến đầu tư ở cấp Trung ương cần thành lập một tổ công tác liên ngành về xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Tổ này có nhiệm vụ hướng dẫn các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, làm thủ tục đầu tư và triển khai dự án. Các thành viên của tổ bao gồm các cán bộ thuộc các đơn vị về xúc tiến đầu tư ở cấp Trung ương, các cán bộ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan đến việc hướng dẫn, thẩm tra quá trình cấp phép các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hỗ trợ các dự án đầu tư sau cấp phép. Tại địa phương, cũng phải thành lập một tổ tương tự để phối hợp chặt chẽ với tổ Trung ương, nhằm hướng dẫn cho các nhà đầu tư tìm hiểu các cơ hội đầu tư, địa điểm triển khai dự án, xây dựng hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư và giấy phép chuyên ngành thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, cần nghiên cứu toàn diện về nhu cầu học tập ở từng cấp học, từng ngành và từng phương thức đào tạo, từ đó có quy hoạch cho mạng lưới các trường, các cơ sở giáo dục đào tạo. Yêu cầu của quy hoạch này là chỉ ra nhu cầu phát triển cho từng giai đoạn, trên cơ sở đó cơ quan quản lý giáo dục sẽ cân đối phần vốn trong khả năng của ngân sách nhà nước có thể đáp ứng, phần còn lại kêu gọi từ các nguồn vốn khác, trong đó có nguồn vốn FDI. Đây sẽ là thông tin cơ bản và quan trọng nhất để nhà đầu tư tham khảo khi họ tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Thứ tư, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tìm kiếm địa điểm. Đặc thù của cơ sở giáo dục - đào tạo chất lượng quốc tế là yêu cầu có diện tích tương đối lớn để xây dựng giảng đường, phòng học, thư viện, khu nghiên cứu, thí nghiệm... Ngoài ra, địa điểm cũng phải thuận lợi cho việc thu hút học sinh, sinh viên đến học. Cho đến nay, rất ít cơ sở giáo dục đào tạo được cấp phép đáp ứng được các yêu cầu này, mà chủ yếu là các cơ sở quy mô nhỏ, hầu hết thuê địa điểm để cải tạo lại thành các phòng học. Vì vậy, cùng với những ưu đãi về giá thuê địa điểm để giảm một phần chi phí xây dựng dự án, các địa phương cần phải quy hoạch địa điểm cụ thể để phù hợp với những đặc điểm riêng nêu trên; đồng thời, phải tích cực hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát địa điểm. Đối với những khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, cùng với việc quan tâm xây dựng các công trình phúc lợi, nhà ở cho công nhân, cần quy hoạch địa điểm dành cho các trường dạy nghề và các trung tâm đào tạo kỹ năng lao động để tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các cơ sở này phục vụ nhu cầu học nghề của số lượng lớn công nhân.

Thứ năm, cần thường niên tổ chức hội nghị, tọa đàm, các buổi gặp mặt trong nước và quốc tế có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các trường đại học, trung tâm đào tạo nghề, các tổ chức xúc tiến đầu tư, tổ chức quốc tế… để quảng bá và vận động thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đại diện xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, các tham tán kinh tế, thương mại và ngoại giao ở các nước để quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. GS,TSKH. Vũ Ngọc Hải (2007). Giáo dục Việt Nam đổi mới và phát triển hiện đại hóa, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. PGS,TS. Nguyễn Hữu Khải (2007). Các ngành dịch vụ Việt Nam, Nxb Thống kê, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Quỳnh Thư (2008). Thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài vào phát triển dịch vụ giáo dục trong bối cảnh Việt Nam là thành viên chính thức của WTO, truy cập tại http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/c/document_library/get_file?uuid=227e95af-ab74-47cd-bcce-0729226c38e2&groupId=13025

ThS. Lê Ngọc Sơn