Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Giám đốc JBIC Watanabe ký biên bản ghi nhớ hợp tác

PPP là rất cấp thiết

Mô hình đối tác công-tư (PPP) hiện đang được tích cực nghiên cứu triển khai thí điểm tại Việt Nam. Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế thí điểm thực hiện đầu tư theo mô hình PPP và mới đây là việc thành lập Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức PPP do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm trưởng ban là sự khởi đầu cho quyết tâm triển khai mô hình này. PPP nhằm các mục tiêu: Hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam; Nâng cao hiệu quả đầu tư công. Nhưng để thực hiện được PPP, ngoài sự ủng hộ cao của các cấp lãnh đạo, rất cần sự chuẩn bị kỹ càng và sự sẵn sàng của các nguồn lực. Do đó, sự hợp tác, hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đối với việc triển khai PPP tại Việt Nam là nguồn lực vô cùng quý giá.

Ông Wanatabe, Tổng giám đốc JBIC cho biết, theo khảo sát của JBIC trong năm 2012 về quan điểm đầu tư trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam đứng thứ 5 và được xếp là quốc gia triển vọng cho hoạt động tại nước ngoài trong trung hạn và dài hạn. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm Việt Nam và Việt Nam cần tiếp tục duy trì đà này. Lý do nhà đầu tư Nhật Bản coi Việt Nam là điểm đến do có tiềm năng tương lai, chính phủ có chính sách tốt thu hút đầu tư. Tuy nhiên, họ cũng có nhiều phàn nàn, một trong số đó là sự thiếu cơ sở hạ tầng. Đây là bước cản lớn đối với phát triển. Ông Wanatabe cho biết, tổng nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới của Việt Nam từ 150-160 tỷ USD. Đây là con số lớn mà ngân sách nhà nước khó đảm đương. Do vậy, việc thực hiện PPP sẽ có thể làm giảm gánh nặng này lên ngân sách nhà nước. Quan điểm của JBIC là mong muốn tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam và việc hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong triển khai các dự án PPP cũng nhằm mục đích đó.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định sự cần thiết của việc triển khai PPP tại Việt Nam. Việt Nam là nước đang phát triển và nhu cầu đầu tư cho hạ tầng là rất lớn, nhưng nguồn lực để thực hiện không thể sử dụng mãi từ nguồn ngân sách ít ỏi. Mà nếu có cũng không thể chỉ sử dụng nó, vấn đề tư nhân tham gia vào xây dựng kết cấu hạ tầng không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà nó còn là quy luật, đó là động lực để phát triển xã hội. Tuy vậy nhiều năm qua, Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng bằng nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Chính vì thế, PPP đã trở nên hết sức cấp thiết đối với Việt Nam.

3 rào cản lớn

Tuy nhiên, việc thực hiện PPP ở Việt Nam hiện cũng có nhiều khó khăn vướng mắc. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nêu ra 3 rào cản lớn hiện nay:

Thứ nhất, đó là rào cản về nhận thức. Đây là rào cản lớn mà các quốc gia khác ít gặp phải, nhưng ở Việt Nam lại đang tồn tại. Đó chính là tâm lý và nhận thức của các cấp, các ngành ở Việt Nam đã quen việc sử dụng "bầu sữa" ngân sách nhà nước trong xây dựng kết cấu hạ tầng và không chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng để hợp tác công-tư. Mặt khác, các cơ quan này có quyền quản lý các dự án. Đây là một trong những điều chúng ta cần phải đối mặt trong quá trình triển khai PPP ở Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, những dự án có tính thương mại cao, có khả năng thu hồi vốn cao lẽ ra phải được chọn làm mô hình thí điểm PPP để có được thành công và dẫn dắt các dự án khác đi tiếp. Tuy nhiên, thường những dự án này đã có chủ. Cho nên trong quá trình tổng hợp hiện nay của Ủy ban quốc gia về PPP chưa nhận được nhiều dự án có tính khả thi cao. Đó là một trong những vấn đề hệ trọng.

Thứ hai, vấn đề về khung pháp lý cho PPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung cũng đã làm hết mình và thực sự cởi mở, mong muốn các quốc gia, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm chia sẻ để khung pháp lý PPP của Việt Nam đủ hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là doanh nghiệp tư nhân nước ngoài. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, khái niệm về PPP rất khác nhau và cách xử lý cũng khác nhau nên vấn đề đặt ra là chọn được những nội dung phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam.

Thứ ba, vấn đề về nguồn lực. Bên cạnh việc tìm kiếm từ phía nước ngoài, phía tư nhân, thì nguồn lực của Chính phủ, phần vốn đối ứng cũng là một vấn đề mà Việt Nam đang vướng mắc. Theo Bộ trưởng, hiện nay vốn đối ứng cho PPP mới chỉ bố chí thu xếp được 2000 tỷ cho năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, đó không phải là số cố định mà chỉ là sơ thảo ban đầu đưa ra bởi vì ngân sách hiện quá hạn hẹp. Nhưng khi các dự án được triển khai một cách tích cực thì sẽ bố trí nguồn này tăng lên. Bởi vì chúng ta sẽ giảm được đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước để có thể chuyển sang phần đối ứng cho PPP.

Bộ trưởng cho rằng, còn rất nhiều điểm khác phải đối mặt khi triển khai PPP tại Việt Nam, nhưng 3 điểm này là thách thức lớn nhất, đặc biệt là với cấp chuyên viên kỹ thuật mà nắm không chắc việc này sẽ rất khó khăn trong thực hiện.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, dù thế nào thì còn đường tất yếu của Việt Nam phải đi đó là PPP, hay rộng hơn là Việt Nam phải khai thác mạnh mẽ hơn nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Nếu Việt Nam không thể chuyển đổi nhanh chóng đầu tư hạ tầng theo PPP, chúng ta sẽ tụt hậu./.

Anh Đức