Thực tế cho thấy, sau thời gian triển khai Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP), bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, cũng đã phát sinh những bất cập, vướng mắc mới cần có sự điều chỉnh.

Trong lần lấy ý kiến này, theo ông Lê Văn Tăng , Cục trưởng Cục Đấu thầu, đây là lần sửa đổi căn bản, với nhiều nội dung quan trọng. Ông cho biết, trong dự thảo tới sẽ không ghi là thí điểm, bởi thí điểm tức là có hoặc không tức là không mang tính lâu dài dẫn đến quản lý lỏng lẻo và dễ dẫn đến tình trạng xin-cho. Đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Theo quy định cũ là ít nhất là 21% tổng vốn đầu tư của dự án, nay chỉ quy định là 15% tổng vốn của dự án. Như vậy, dự thảo tạo điều kiện rất nhiều cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, dự thảo quyết định tới sẽ bổ sung lĩnh vực đầu tư. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nhiều bộ, ngành tham gia PPP. Bởi, trước đây quy định các dự án PPP thường là tập trung một số lĩnh vực như: hạ tầng, đường sắt, đường không, đường bộ, nhà máy điện… nhưng thực tiễn nhiều lĩnh vực cần có sự huy động của nhiều nguồn lực. Do vậy, cần thiết phải bổ sung một số lĩnh vực được tham gia vào PPP. Cụ thể, trong dự thảo tới sẽ bổ sung một số lĩnh vực dịch vụ sản xuất nông nghiệp.

Trước những mặt hạn chế việc đấu thầu theo hình thức BOT như kiến nghị của một số địa phương, Cục trưởng Lê Văn Tăng cũng nhấn mạnh, “Dự thảo quyết định tới sẽ bỏ hình thức BOT và thay vào đó là hình thức DPFOM (thiết kế-xây dựng-tài chính-vận hành-duy trì)”. Ông cũng cho biết, sẽ hạn chế tối đa việc chủ đâu tư lập dự án, vì các chủ đầu tư sẽ lập dự án theo hướng có lợi cho mình, do bản thân họ chí là chủ đầu tư. Đồng thời, ông yêu cầu các dự án thực hiện theo hình thức PPP cần phải thuê tư vấn. Hiện nay, Ngân hàng Phát triển châu Á đã phê duyệt kinh phí cho các vấn đề lập dự án.

Cùng với đó, một số nội dung khác như: Tiêu chí lựa chọn dự án. Theo Nghị định sửa đổi thì sẽ giảm đi một số tiêu chí; Vốn hỗ trợ của nhà nước; Vấn đề sàng lọc dự án; Vấn đề thực hiện hợp đồng… cũng sẽ được sửa đổi trong dự thảo quyết định tới.

Theo ông Andrew Head, Phó giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam cần có một cơ chế tối ưu để tăng cường sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường năng lực PPP, đẩy mạnh kêu gọi các nguồn hỗ trợ nước ngoài trong việc phát triển chương trình PPP.

Đồng tình với quan điểm này, Ông Nguyễn Đăng Trương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, cho rằng cần có thêm các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương tiêu chí lựa chọn dự án, lĩnh vực đầu tư không chỉ trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, mà còn bao gồm tất cả các các lĩnh vực phù hợp để đầu tư PPP.

Anh Quyền