Theo Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đầu tư công là luật đầu tiên kể từ trước đến nay quy định những vấn đề liên quan đến quản lý các hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Sau hơn 3 năm thực hiện, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc.

Đó là khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; một số quy định trong Luật còn cứng nhắc hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác, như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch... Việc hình thành nhiều quy trình mới, thủ tục phức tạp, dẫn tới các cơ quan, địa phương khó nắm vững và thực hiện thống nhất các quy định của Luật.

Phát biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, cần đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, trong đó, các dự án nhóm A thì thẩm quyền Thủ tướng quyết định và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn. Những dự án nhóm B có thể phân cấp cho các địa phương phương để quá trình triển khai nhanh hơn.

Cũng chung quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, phân cấp cần gắn trách nhiệm với các bộ trưởng và chủ tịch tỉnh, thành phố, từ khâu thẩm định nguồn vốn đến quá trình sử dụng vốn theo mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thì đề nghị cần có khoản vốn riêng cho các khâu quy hoạch và công tác chuẩn bị đầu tư. Khi có gói vốn riêng cho khâu quy hoạch sẽ khuyến khích các bộ, ngành địa phương tổ chức lại quy hoạch, khuyến khích điều chỉnh quy hoạch yếu kém, bởi nếu quy hoạch không tốt thì việc triển khai theo quy hoạch đó sẽ gây lãng phí lớn.

Nhìn lại quá trình thực hiện Luật Đầu tư công thời gian qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Luật ra đời đã hoàn thành sứ mệnh là giúp lập lại trật tự đầu tư và quản lý vốn đầu tư từ ngân sách một cách tập trung, giảm đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Vấn đề tiếp theo là Luật cần điều chỉnh theo hướng giúp nâng cao năng lực quản lý điều hành của Nhà nước, quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và đến tận các bộ, ngành và tăng cường hậu kiểm để nâng cao tinh thần trách nhiệm.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng tán thành với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các thành viên Chính phủ, sửa đổi tên từ Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư công thành Dự án Luật đầu tư công sửa đổi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Về phạm vi áp dụng Luật, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bổ sung các quy định với các dự án đầu tư công được thực hiện tại nước ngoài.

Về khái niệm đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu cần có quy định rõ hơn, đảm sự đồng bộ của Luật này với Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật đấu thầu, có quy định phân cấp quản lý phù hợp với tính chất từng nguồn vốn, đồng bộ nhiệm vụ chi, quy trình lập phê duyệt dự án ngân sách nhà nước.

Về tiêu chí phân loại dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần báo cáo rõ căn cứ, lý lẽ về sửa đổi tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, đồng thời báo cáo, giải trình về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung tiêu chí đối với dự án nhóm A, B, C phù hợp với điều chỉnh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Về dự án có cấu phần xây dựng, cần rà soát lại, bảo đảm đồng bộ giữa Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng về nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quản lý Nhà nước về vốn; làm rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thẩm tra, thẩm định, quyết định, tránh chồng chéo với tinh thần là không để một việc mà phải báo cáo cả 2 bộ hoặc nhiều bộ.

Thủ tướng cũng tán thành đề xuất ủy quyền cho Thường trực HĐND theo tinh thần là cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, minh bạch và chịu trách nhiệm. Thủ tướng nhấn mạnh “không ôm đồm, phải cải cách mạnh mẽ, không lý thuyết”. Nhà nước phải kiểm soát nhiều kênh và tạo thuận lợi cho địa phương, bộ và cơ sở. Trong Dự án Luật nên phân cấp, quy định rõ thẩm quyền của thường trực HĐND quyết định kịp thời các vấn đề của địa phương.

“Đầu tư công có tiến bộ trong quản lý, nhưng trong thực tiễn có nhiều vấn đề cần đổi mới. Trong đó có vấn đề phân cấp, giao quyền, trách nhiệm của HĐND, UBND, trách nhiệm của các bộ trưởng phải rõ hơn. Tôi muốn cải cách đổi mới này phải rõ, làm sao đừng gây ra sự phức tạp trong điều hành, trách nhiệm không rõ. Phải có sự thông suốt hơn trong phân bổ và quản lý nguồn lực, trong giao kế hoạch. Còn các bộ chủ yếu là quản lý nhà nước, những chỉ tiêu lớn, những công trình trọng điểm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nêu rõ nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công phải sát với khả năng ngân sách, để tránh dàn trải, mất cân đối về đầu tư.

Thủ tướng cũng tán thành việc dành vốn cho công tác quy hoạch và công tác chuẩn bị đầu tư và đi trước nhiệm kỳ trung hạn, trao quyền này cho Thủ tướng xem xét quyết định. Đây là điều kiện quyết định xem xét đầu tư có hiệu quả, khoa học hay không. Công tác giải phóng mặt bằng những dự án lớn cũng cần có một gói vốn riêng theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư, tạo quỹ đất sạch đấu giá thuận lợi hơn.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, theo chương trình, Thường vụ Quốc sẽ cho ý kiến về Dự án luật này tại phiên họp thứ 27, dự kiến vào tháng 9 tới. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật này./.