Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức Hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại của đầu tư nước ngoài; trên cơ sở đó xác định những định hướng, giải pháp cho giai đoạn tới.

Tính từ 1/1/2012 đến 31/12/2012, cả nước đã có 1.287 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tưvới tổng vốn đăng ký 8,6 tỷ USD, bằng 71,2% so với năm 2011. Trong năm 2012 có 550 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,7 tỷ USD, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2011. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 16,3 tỷ USD, tăng 4,7% so với năm 2011

- Cục Đầu tư nước ngoài-

Hội nghị có sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và sự tham gia của Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý KCN, KKT, Trung tâm XTĐT của các địa phương; một số tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; Các cơ quan nghiên cứu; Một số chuyên gia, nhà khoa học.

Dự kiến 03 nội dung chính được trao đổi tại Hội nghị bao gồm:

1. Đánh giá về vai trò của FDI:

- Khẳng định những đóng góp, vai trò tích cực của FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

- Quan điểm về mức độ sử dụng nguồn vốn FDI trong thời gian tới.

2. Đánh giá những hạn chế của FDI:

- Đánh giá về tính cạnh tranh của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam so với các nước trong khu vực (về chính sách, ưu đãi, thủ tục đầu tư…).

- Những hạn chế về công tác quản lý nhà nước về đầu tư: công tác hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật của các cấp; vấn đề phân cấp; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư; hoạt động xúc tiến đầu tư; quy trình, thủ tục thẩm tra cấp giấy phép đầu tư; công tác quản lý sau cấp phép.

- Những hạn chế trong vấn đề thu hút đầu tư: chính sách ưu đãi đầu tư, các vấn đề lao động, đất đai, môi trường, khoa học công nghệ, quy hoạch…

- Đánh giá một cách khách quan mức độ ảnh hưởng của những vấn đề tiêu cực được cho là do đầu tư nước ngoài gây ra.

3. Định hướng, kiến nghị giải pháp thu hút FDI trong thời gian tới

- Định hướng cụ thể thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn phù hợp với quy hoạch. Nêu rõ tính khả thi, khả năng hấp thụ nguồn vốn của ngành/ lĩnh vực, địa bàn và kiến nghị giải pháp cụ thể.

- Nhóm giải pháp về công tác quản lý nhà nước về FDI để nâng cao hiệu quả nguồn vốn: kiến nghị về mức độ phân cấp đầu tư như thế nào nhằm vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước, vừa đảm bảo tính tự chủ của địa phương; về quy trình, thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư; quản lý hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường hậu kiểm…

- Nhóm giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư:

+ Kiến nghị chính sách ưu đãi đầu tư: xây dựng bộ tiêu chí làm cơ sở xem xét quyết định ưu đãi; cơ chế ưu đãi bổ sung đối với các dự án có quy mô lớn hoặc có tác động lớn đến kinh tế xã hội…

+ Giải pháp cụ thể cải thiện những bất cập về lao động, môi trường, đất đai, khoa học công nghệ, quy hoạch…

+ Giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư.

Phương Anh