Hội tụ nhiều lợi thế

Nhắc đến thành công của Bình Dương được bạn bè quốc tế đánh giá cao, Thủ tướng cho rằng, phát triển sau Bình Dương khi tách tỉnh, không có nghĩa Bình Phước sẽ “mãi là người đến sau”.

Theo Thủ tướng, những điều kiện và lợi thế Bình Dương từng có thì ngày nay Bình Phước cũng đã xuất hiện. Ví dụ yếu tố địa chiến lược của Bình Dương với vị trí nằm sát Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, thì ngày nay Bình Phước đang nằm cạnh Bình Dương, là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, và tỉnh Đồng Nai, với dân số lớn thứ hai của Nam Bộ và đang khẳng định mình là một cực công nghiệp của cả nước.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Phước

Bình Phước nằm tiếp giáp 2 trong 3 góc nhọn của tam giác phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai; một tỉnh xung yếu ở vị trí yết hầu giữa Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh, có khả năng kết nối giao thông đến các cảng hàng không gồm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành và các cảng nước sâu Sài Gòn, Thị Vải, Đồng Nai... Nhân dịp này, Thủ tướng giao trách nhiệm cho Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu khả năng kết nối giao thông Bình Phước đến sân bay Long Thành và kết nối đường sắt xuống cảng từ Bình Phước.

Tỉnh hầu như không có thiên tai bão lũ, khí hậu hiền hòa, nguồn nước tốt, đất basalt quý giá chiếm tới trên 40%, đất chất lượng cao trở lên chiếm 61,17% tổng diện tích tự nhiên; có diện tích rừng và hệ sinh thái trải rộng phong phú...

Bình Phước còn có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và màu mỡ, khí hậu ôn hòa. Tỉnh có thế mạnh rất lớn về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, trong đó một số loại cây hiện nay có diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước như cây cao su 237.000 ha, cây điều 134.300 ha, cây cà phê 17.000 ha, hồ tiêu 16.000 ha. Ngành chăn nuôi của Tỉnh cũng rất phát triển với số lượng lớn các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô tập trung, công nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh có Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, nơi có thể kết nối và phát triển các tuyến du lịch quốc tế Bình Phước với các địa phương Campuchia, Lào, Thái Lan. Một ngày, một người ở Bình Phước có thể đi cả 4 nước, đây là điều ít có đối với bất cứ địa phương hay quốc gia nào.

Kết quả từ những nỗ lực

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho biết, toàn Tỉnh hiện nay có hơn 6.400 doanh nghiệp và vốn đăng ký kinh doanh 53.506 tỷ đồng. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới là 568 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 7.465 tỷ đồng.

Dự án đầu tư nước ngoài (FDI) khi mới tái lập, tỉnh chỉ có duy nhất 1 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 20,58 triệu USD thì đến nay đã có 185 dự án với vốn đăng ký 1,85 tỷ USD, tăng 90 lần. 7 tháng đầu năm 2018 thu hút được 22 dự án với số vốn đăng ký 314 triệu USD. Trong đó có 7 dự án đầu tư vào khu công nghiệp Becamex (KCN Becamex) Bình Phước với số vốn đăng ký 272 triệu USD.

Trong tổng số 185 dự án FDI thu hút được, đến nay đã có 125 dự án đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho 48.500 lao động, trong đó 60% là lao động tại chỗ của địa phương, còn lại 40% là lao động từ nơi khác đến. Tỉnh Bình Phước cũng có 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động.

Đáng chú ý là dự án KCN và Đô thị Becamex Bình Phước tại huyện Chơn Thành với tổng diện tích trên 4.600ha, trong đó KCN hơn 2.400ha, khu đô thị, khu tái định cư gần 2.200ha.

Cần có quyết tâm lớn

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm khẳng định, Tỉnh sẽ luôn sát cánh và đồng hành cùng doanh nghiệp, luôn lắng nghe để tháo gỡ khó khăn và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên quê hương Bình Phước.

Bên cạnh đó, để kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Bình Phước ưu tiên thu hút các dự án vào các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện có; tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án chế biến nông, lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương; đồng thời khuyến khích thu hút các dự án đầu tư xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, thể dục thể thao.

Tỉnh hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu và kiên quyết từ chối các dự án tác động xấu đến môi trường để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh theo định hướng đã đề ra.

Thủ tướng nêu rõ, một địa phương như Bình Phước muốn thu hút những nhà đầu tư lớn, những “đại bàng về đây làm tổ”, thì nhân tố con người, đặc biệt là quyết tâm hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền có ý nghĩa quyết định.

Thủ tướng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền phải luôn sâu sát với thực tế, lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, phát huy tinh thần “ta bên bạn và bạn bên mình”, cùng đoàn kết, thấu hiểu và hiệp đồng giữa chính quyền, nhà đầu tư và các cộng đồng dân tộc anh em trong mọi nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Trong nỗ lực đó, Thủ tướng đánh giá cao Bình Phước đã phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đời sống nhân dân đã được cải thiện. GDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân cả nước, 2.670 USD, GDP tăng trưởng 6,83%. Đặc biệt, Bình Phước có trên 40% số xã là xã nông thôn mới. Nhấn mạnh đến tăng thu ngân sách trên địa bàn, Thủ tướng hoan nghênh Bình Phước quyết tâm phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ này sẽ tự trang trải ngân sách mà không cần trung ương hỗ trợ.

Góp ý một số định hướng, giải pháp cho Đảng bộ, chính quyền và nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, về quy mô doanh nghiệp, nếu như năm 1997, chỉ có 181 doanh nghiệp với 35 tỷ đồng vốn, nay Bình Phước đã có 6.400 doanh nghiệp, gấp 35 lần với số vốn 54.000 tỷ đồng, tăng 1.530 lần. Trong số đó, doanh nghiệp FDI trước đây chỉ có 1 dự án với số vốn 20 triệu USD, thì nay có 180 dự án với số vốn gần 1,9 tỷ USD.

“Đây là những con số rất có ý nghĩa với nhà đầu tư trong việc lan tỏa xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển ở tỉnh Bình Phước”, Thủ tướng nói và đề nghị Tỉnh phát triển nông nghiệp thông minh mang bản sắc của vùng đất đỏ bazan, khai thác tiềm năng thủy sản, một lợi thế lớn của Bình Phước.

Cùng với đó, xây dựng một nền công nghiệp chế biến công nghệ cao phục vụ nông nghiệp, các loại cây công nghiệp và chế biến lâm sản trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Các cấp, các ngành ở địa phương, nhất là cấp huyện, sở tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và đến năm 2020, Bình Phước phải phấn đấu tăng gấp đôi số doanh nghiệp hiện có, lên con số 10.000 doanh nghiệp và tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người.

Khuyến khích các ý tưởng của tỉnh Bình Phước, như: lập tổ thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh hằng tháng gặp gỡ doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, Tỉnh cần đề cao tinh thần đối thoại, phản biện với doanh nghiệp và thúc đẩy những đột phá mới về chủ trương, chính sách, mô hình phát triển…

“Phải ý thức về những lợi thế còn ở dạng tiềm năng như du lịch để có phương án thu hút đầu tư, biến tiềm năng thành hiện thực. Đảng bộ, chính quyền cũng cần suy nghĩ, tạo điều kiện cho khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là lớp trẻ”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Thủ tướng mong muốn Bình Phước và Bình Dương cần tiếp tục cộng hưởng, bổ sung cho nhau, liên kết chuỗi giá trị toàn vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt với 240km biên giới với Campuchia, Tỉnh có vai trò địa chính trị và vùng đệm chiến lược về kinh tế, quốc phòng quan trọng trong tam giác phát triển Đông Dương.

Thủ tướng tin tưởng, với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của toàn dân, trong đó có đồng bào các dân tộc anh em Bình Phước, sự quan tâm của tỉnh Bình Dương, sẽ cùng nhau tạo nên những “chiến thắng Phước Long mới” trên các mặt trận kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.

Thủ tướng chứng kiến UBND tỉnh Bình Phước trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 24 dự án với số vốn hơn 1 tỷ USD

Cũng tại Hội nghị, UBND tỉnh Bình Phước đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 315 triệu USD và 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 818 triệu USD. Tổng cộng đợt này trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 24 dự án, với số vốn hơn 1 tỷ USD.

Nhắn nhủ đến các doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị mỗi doanh nghiệp cần chú trọng đến tam giác phát triển kinh tế, xã hội và môi trường; không thể phát triển kinh tế mà bỏ qua môi trường sống của người dân. Doanh nghiệp phải “nói và làm”. Trước con số trên 1 tỷ USD cấp giấy phép hôm nay, là con số ấn tượng, Thủ tướng yêu cầu những dự án, giấy phép này “không được nằm trên giấy”.

Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh cần quan tâm nghiêm túc hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu, nhất là với những sản phẩm nổi tiếng của địa phương như cà phê, hạt điều./.