Thực trạng...

Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/2/2013, cả nước có 99 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 532 triệu USD, bằng 46,1% so với cùng kỳ năm 2012 và 31 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 98,3 triệu USD, bằng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Tính chung, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 630,3 triệu USD, bằng 38,1% so với cùng kỳ năm 2012.

Việc thiếu vắng các dự án lớn đã khiến cho tổng lượng vốn đăng ký giảm mạnh, nhưng cũng là tín hiệu báo trước một năm khó khăn về thu hút đầu tư nước ngoài.

Và nguyên nhân

Bối cảnh thế giới khó khăn cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến thực trạng trên. Về những chuyển dịch đáng chú ý trong dòng chảy FDI ở khu vực Đông Á hiện nay và ảnh hưởng của những chuyển dịch đó đến Việt Nam, số liệu thống kê của Liên hợp quốc cho thấy lượng FDI toàn cầu giảm 18% trong năm ngoái, nhưng FDI vào các nước châu Á giảm nhẹ hơn, khoảng 9,5%. Trung Quốc hiện nay là nước thu hút lượng FDI lớn thứ hai toàn cầu, nhưng do chi phí sản xuất tại Trung Quốc đang gia tăng và những căng thẳng trong quan hệ Nhật - Trung nên các nhà đầu tư, nhất là từ Nhật Bản, đang có xu hướng rút bớt vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc và chuyển hướng sang các nước ASEAN. Hiện nay, dòng vốn FDI toàn cầu đổ vào ASEAN lên gần bằng Trung Quốc, với 8% cho ASEAN và 9% cho Trung Quốc. Việt Nam đang có cơ hội để đón nhận sự chuyển hướng này, nhưng để tận dụng cơ hội này dài lâu thì Việt Nam cần có nhiều cải thiện thiết thực để cạnh tranh với các nước trong khu vực, đặc biệt là với Thái Lan và Indonexia. Năm vừa rồi, Việt Nam đã thu hút hơn 5 tỷ USD FDI từ Nhật Bản.

Một nguyên nhân căn bản cần phải nhắc đến dẫn đến sự giảm sút lượng vốn FDI xuất phát từ chính những yếu kém nội tại của Việt Nam như kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, bên cạnh những vấn đề như lãi suất cao, nợ xấu, môi trường đầu tư mất dần sức hấp dẫn. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới về môi trường kinh doanh trong năm nay, tụt hơn 20 bậc so với năm 2011. Khi mà môi trường đầu tư kinh doanh thiếu những diễn biến tích cực thì sẽ gây khó khăn trong thu hút FDI, đặc biệt là những nguồn FDI có chất lượng.

Để thu hút thêm các nhà đầu tư đến từ Mỹ và châu Âu, nâng cao lợi ích chiến lược của FDI, ngoài việc cải thiện các yếu tố liên quan đến môi trường đầu tư thì Việt Nam cần giảm bớt tham nhũng. Các nước như Anh, Mỹ có những đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài rất khắt khe cho nên các doanh nghiệp từ các nước này thường tránh đầu tư vào những nước có tham nhũng cao. Theo chỉ số đưa hối lộ của Tổ chức minh bạch quốc tế, các công ty đến từ Mỹ, Nhật Bản và Anh nằm trong nhóm 10 quốc gia có các công ty ít đưa hối lộ nhất khi làm ăn, ở nước ngoài, ngược lại với các công ty Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần cải thiện chỉ số liên quan đến tự do kinh tế và tự do chính trị. Nói chung, Việt Nam đang cần những thay đổi thể chế sâu rộng để có thể có những bước tiến mới.

Tổng hợp từ:

1. VTC news, 2 tháng đầu năm, giải ngân FDI đạt trên 1 tỷ USD, http://vtv.vn/Kinh-te/2-thang-dau-nam-giai-ngan-von-FDI-dat-tren-1-ty-USD/57598.vtv.

2. VN economy, Vốn FDI sụt giảm vì vắng bóng dự án lớn,http://vneconomy.vn/2013022506277269P0C9920/von-fdi-sut-giam-vi-vang-bong-du-an-lon.htm.

3. Thông tấn xã Việt Nam, Tin kinh tế tham khảo hàng ngày, số 15543 TTX, Việt Nam trước cơ hội và thách thức của dòng chảy FDI.

Nguyễn Hoan (tổng hợp)