Vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất các dự án có tính khả thi (nằm trong quy hoạch phát triển, có khả năng thu hồi vốn và hấp dẫn các nhà đầu tư...). Thời gian chậm nhất ngày 10/3/2013, các cơ quan trên phải gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp Danh mục dự án đầu tư PPP, trình Trưởng ban chỉ đạo phê duyệt.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo, tăng cường năng lực về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Đặc biệt, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện việc kiện toàn Tổ công tác liên ngành về PPP; Tăng cường tính chủ động, tích cực phối hợp của các bộ, ngành có đại diện là Thành viên Ban Chỉ đạo nhằm đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chung của Ban Chỉ đạo cũng như các nhiệm vụ về PPP thuộc lĩnh vực, ngành mình phụ trách.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thành lập các bộ phận chuyên trách về PPP (Tổ, Ban PPP…) để quản lý và theo dõi dự án.

Có thể nói, sau hình thức đầu tư BOT, BTO, BT…, đầu tư PPP theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là hình thức đầu tư hiện đại, với việc Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án.

Sau 2 năm thí điểm, các đối tác quốc tế đã bày tỏ sự ủng hộ, quan tâm đến khả năng triển khai PPP tại Việt Nam và nhận định nếu việc triển khai đảm bảo theo thông lệ quốc tế, như đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, thì các đối tác phát triển và nhà đầu tư sẵn sàng tham gia. Trong trường hợp đó, khả năng huy động 70-80 tỷ USD trong vòng 10 năm tới là có thể thực hiện được.

Sau quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập một bộ phận phụ trách “một cửa” về PPP ở Cục Quản lý đấu thầu, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về đầu tư PPP, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là Trưởng ban.

An Nhi