Bức tranh màu xám...

Năm 2012 khép lại với việc thu hút FDI đã không "cán đích" đúng như kế hoạch. Đây không phải là một kết quả quá bất ngờ, bởi nó đã được tiên đoán từ giữa năm. Kết thúc năm 2012, vốn FDI đăng ký mới chỉ đạt hơn 13 tỷ USD, chỉ bằng 84,7% năm 2011 và kém khá xa kế hoạch đề ra từ đầu năm là thu hút 15-17 tỷ USD.

Dù luôn đưa ra mục tiêu thu hút FDI năm sau cao hơn năm trước, nhưng đây là năm thứ 4 dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam giảm liên tục và là năm thứ 3 mục tiêu thu hút vốn FDI đăng ký không đạt được như kỳ vọng. Cụ thể, năm 2010 Việt Nam đặt mục tiêu thu hút FDI tăng 10% so với con số 21,48 tỷ USD của năm 2009, tức là khoảng 23 tỷ USD, nhưng kết quả chỉ đạt 18,1 tỷ USD; năm 2011, dù đặt mục tiêu thu hút khoảng 20-21 tỷ USD nhưng cuối cùng cũng chỉ đạt 14,7 tỷ USD; kết quả năm 2012 cũng đã cho thấy không hoàn thành kế hoạch.

Một điểm tối của khu vực FDI trong năm 2012 là số doanh nghiệp "mất tích" và bị thu hồi giấy phép rất đáng quan ngại. Cũng chưa có con số tổng hợp cụ thể trên cả nước, nhưng một số tỉnh đã công bố truy tìm doanh nghiệp, hay buộc phải thu hồi giấy phép đầu tư đã cho thấy, đây là vấn đề không nhỏ. Cụ thể, Đồng Nai đã công bố thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 32 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 172,09 triệu USD do doanh nghiệp không triển khai thực hiện dự án quá 12 tháng; dự án triển khai, nhưng hoạt động không có hiệu quả; doanh nghiệp không tiếp tục thực hiện dự án do gặp khó khăn về tài chính, nên chủ đầu tư phải bán doanh nghiệp cho đơn vị khác... Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã nêu đích danh 12 doanh nghiệp bị xếp vào loại "mất tích" khi không hoạt động tại trụ sở đăng ký. Đây chỉ là những con số rất nhỏ được công bố, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều doanh nghiệp "bỏ của chạy lấy người" để lại những khoản nợ ngân hàng, nợ công nhân, bảo hiểm…

Một câu chuyện không mới trong khu vực FDI là vấn đề "chuyển giá" cũng được báo chí nhắc đến trong những ngày cuối năm 2012. Mặc dù chưa có kết luận chính thức nào từ phía cơ quan nhà nước, nhưng những "gã khổng lồ", như: Coca-cola, Adidas, Metro Cash & Carry...liên tục kêu lỗ khiến người ta khó có thể tin. Điều này đã cho thấy công tác hậu kiểm, thống kê, đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI sau cấp phép của chúng ta còn khá yếu, không nắm được tình hình khiến doanh nghiệp lợi dụng để trốn thuế.

Để xử lý vấn đề chuyển giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết cũng đã làm đề án về chống chuyển giá, trình Chính phủ và được đánh giá cao. Kết quả của đề án cho thấy, xử lý chuyển giá liên quan nhiều đến thuế, hải quan, quản lý tài chính của doanh nghiệp. Do vậy, trong giai đoạn 2 của đề án, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bàn các phương án triển khai. Trong đó, cần phải làm một số việc sau: (1) Hoàn thiện khung pháp lý về chống chuyển giá; (2) Tuyên truyền việc hạn chế chuyển giá; (3) Xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ để phát hiện vấn đề chuyển giá; (4) Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về so sánh giá với các nước xung quanh; (5) Ban hành quy định về thỏa thuận giá trước với nhà đầu tư; (6) Tăng cường thực hiện các cuộc kiểm tra chống chuyển giá.

Nhìn vào thực tế thu hút FDI 3 năm qua cho thấy, môi trường đầu tư tại Việt Nam đang mất dần sự hấp dẫn. Đồng thời việc thu hút FDI cũng ngày càng khó khăn hơn khi các quốc gia láng giềng đang cạnh tranh khốc liệt với Việt Nam. Đây cũng có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến FDI không đạt mục tiêu trong năm qua và là thách thức cho năm 2013. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2012 (VBF 2012), các nhà đầu tư quốc tế cho rằng, những bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao, khó tiếp cận lãi suất ngân hàng là những nguyên nhân làm cho môi trường đầu tư Việt Nam kém hấp dẫn. Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề khác, như: công tác thẩm tra, cấp phép các dự án FDI còn nhiều bất cập; vấn đề thiếu lao động chất lượng cao; chế độ báo cáo, cập nhật thông tin về tình hình đầu tư nước ngoài còn chậm chạp… làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Nguồn: Số liệu tính toán của tác giả dựa trên số liệu cộng dồn hàng tháng của Cục Đầu tư nước ngoài

...vẫn có những điểm sáng

Nếu vốn đăng ký chỉ là "vốn trên giấy tờ" không đạt mục tiêu kế hoạch, thì vốn thực hiện lại có kết quả khá tích cực. Mặc dù vốn thực hiện chỉ bằng 95,1% mức thực hiện của năm 2011, đạt 10,46 tỷ USD, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, thì kết quả này không phải là tồi, góp phầncải thiện cán cân thanh toán và làm tăng dự trữ ngoại hối. Vốn thực hiện chỉ giảm ít so với năm 2011 (11 tỷ USD), nhưng cao hơn so với lượng vốn thực hiện bình quân năm trong thời kỳ 2007-2011 (10,31 tỷ USD). Đây là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Thu hút dự án mới giảm, nhưng nhiều dự án đầu tư từ giai đoạn trước lại “nhiệt tình” tăng vốn. Lượng vốn đăng ký tăng thêm của những dự án đã thực hiện khá ấn tượng, tăng tới 58,5% so với năm 2011, đạt 5,15 tỷ USD. Điều này chứng tỏ các nhà đầu tư đang làm ăn ở Việt Nam vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư, cũng như triển vọng trong tương lai,nên sẵn sàng tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Đây là một trong những điểm nhấn về đầu tư nước ngoài trong năm 2012. Điển hình tại một số dự án lớn như: Cuối tháng 4/2012, Bắc Giang “mở cửa” cho Công ty TNHH Wintek Việt Nam điều chỉnh giấy phép kinh doanh để tăng vốn từ mức 250 triệu USD lên 1,12 tỷ USD; Tháng 11/2012, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã tăng vốn đầu tư thêm 830 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại Việt Nam lên mức 1,5 tỷ USD...

Xét về cơ cấu vốn đầu tư cũng có nhiều điểm khả quan, phần lớn các dự án FDI trong năm 2012 tập trung vào lĩnh vực sản xuất, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều đó thể hiện ở việc vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều hơn, chiếm đến gần 70% tổng vốn FDI đăng ký năm 2012. Một số dự án lớn như: Dự án Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD; Dự án Công ty Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 441 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất sợi tại KCN Hải Yên, Móng Cái, Quảng Ninh với tổng vốn đẩu tư 300 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Công nghiệp Nipro Pharma Việt Nam tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD...

Một điểm sáng nữa của khu vực FDI trong năm 2012 là đạt kết quả tăng trưởng về xuất khẩu rất khả quan. Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) năm 2012 ước đạt 73,4 tỷ USD, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 33,2% so với năm 2011. Trong khi đó, nhập khẩu chỉ tăng 23,5% so với năm 2011 và đạt 60,3 tỷ USD. Như vậy, năm 2012 khu vực FDI đã xuất siêu hơn 13 tỷ USD, góp phần đáng kể vào thành tích xuất siêu chung 284 triệu USD của cả nước (khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 12,7 tỷ USD).

Nộp ngân sách nhà nước tăng là một trong những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp FDI trong năm 2012. Kết thúc năm, khu vực này đã nộp ngân sách nhà nước (chưa kể dầu thô) đạt 3,76 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2011 (3,5 tỷ USD) và tăng 23% so với năm 2010 (3,04 tỷ USD), chiếm 18,7% tổng thu nội địa. Thu từ dầu thô vượt dự toán năm gần 30% và ước đạt 5,4 tỷ USD.

Những việc cần làm ngay

Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung, vì vậy cũng là một năm khó khăn với FDI. Cùng với việc sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tới tiến hành các giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút FDI giai đoạn 2011-2020, nhưng phải đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh đang xuất hiện một làn sóng cạnh tranh thu hút vốn FDI rất mạnh mẽ giữa các quốc gia trong khu vực, như Thái Lan, Indonesia, thậm chí cả Lào, Campuchia và mới đây là Myanmar, việc các chính sách pháp luật còn chậm được cải tiến, hay thay đổi, lại có những chồng chéo, mâu thuẫn… phần nào đã làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Chính vì thế, giải pháp này rất quan trọng và cấp thiết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguồn vốn FDIchưa thể phục hồi mạnh trong năm 2013. Dự kiến vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 13 – 14 tỷ USD. Vốn thực hiện đạt khoảng 10,5 – 11 tỷ USD, tương đương với năm 2012.

Thứ hai, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt đến quản lý quy hoạch. Hiện nay, thu hút FDI còn chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện tốt 3 khâu đột phá là cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là yếu tố giúp tăng cường sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FDI (chuyển vốn vào, vốn ra). Cùng với đó, cần phải xây dựng quy chế phối hợp về quản lý FDI giữa các bộ, ngành, địa phương, trong đó xác định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động FDI, đến công tác hậu kiểm, thống kê, đánh giá tình hình triển khai dự án FDI sau cấp phép...

Thứ năm, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để hỗ trợ thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư.

Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý FDI theo hướng phát huy quyền chủ động của địa phương, đồng thời đảm bảo tập trung thống nhất, hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước.Địa phương vẫn sẽ là nơi cấp phép đầu tư các dự án. Nhưng, những dự án có quy mô lớn, có tác động lan tỏa cao, hay dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Chính phủ…, thì phải được đưa về các bộ, ngành thẩm định, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc có một quy trình thẩm định dự án thật chặt chẽ để thấy hết được những tác động của dự án đối với kinh tế - xã hội địa phương, cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường, sử dụng đất đai… sẽ giúp nâng cao chất lượng của dự án, phù hợp với quy hoạch.

Thứ bảy, cải tiến căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và theo đối tác. Tránh tình trạng xúc tiến đầu tư tràn lan, thậm chí đã có trường hợp hai địa phương cùng đưa đoàn xúc tiến đầu tư đến cùng một nước vào cùng thời điểm, gây ấn tượng không tốt với nước bạn. Thay vào đó, chúng ta phải tăng cường sự phối hợp, điều phối thống nhất chung và có kế hoạch. Bên cạnh đó, phải tăng cường hỗ trợ cho các nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam hoạt động có hiệu quả (xúc tiến đầu tư tại chỗ).

Thứ tám, giảm rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành dịch vụ mà Việt Nam đang có nhu cầu, đồng thời xây dựng các rào cản kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế để hạn chế các dự án không khuyến khích./.

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Hữu Thắng (2012). FDI năm 2012 và giải pháp cho năm 2013, truy cập từ http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-detail/412294/lang-kinh/fdi-nam-2012-va-giai-phap-cho-nam-2013.html

2. Nam Phong (2012). Cắn răng thu hồi dự án FDI, truy cập từ http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/102117/can-rang-thu-hoi-du-an-fdi.html

3. Nguyễn Hòa (2012). FDI: Thêm một năm không cán đích, truy cập từ http://ven.vn/fdi-them-mot-nam-khong-can-dich_t77c542n33380tn.aspx

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013). Tài liệu họp báo đầu năm 2013.

Anh Đức