Kết quả nghiên cứu về đánh giá kinh tế Việt Nam 2012, tầm nhìn chính sách năm 2013 do Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế đã đưa ra ngày 30/1/2013 đã mang lại nhiều nội dung phân tích sâu sắc về tình hình kinh tế năm qua. Phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm về những nội dung này.

PV: Xin ông cho biết điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế năm 2012 vừa rồi?

TS. Nguyễn Đức Thành: Theo tôi điểm sáng lớn nhất trong bức tranh kinh tế năm 2012 là thành công trong việc kiềm chế lạm phát, chính điều này đã tạo tiền đề tốt để chúng ta có thêm không gian chính sách thực hiện cho năm 2013. Từ đó có thể điều chỉnh hàng loạt các chính sách vĩ mô, ví dụ như chính sách về tỷ giá, hoàn thiện về giá của các mặt hàng mà chúng ta kiểm soát trước đây. Ngoài ra, chính thành công này đã tạo niềm tin trong người tiêu dùng, mà một phần niềm tin đã bị hao mòn trong thời kỳ lạm phát cao do khủng hoảng thế giới ảnh hưởng rất tiêu cực đến Việt Nam.

PV: Với những gợi ý chính sách cho năm 2013, theo ông đâu là chính sách được chờ đợi để có thể đưa kinh tế năm 2013 có được những thành tích đáng kể?

TS. Nguyễn Đức Thành: Tôi cho rằng năm 2013 còn rất nhiều khó khăn, trong đó nguy cơ lạm phát quay trở lại là rất hiện hữu, ngoài ra tăng trưởng kinh tế chưa có nhiều đột biến. Vì vậy, năm 2013 trong các chính sách cơ bản, thì xử lý nợ xấu trong hệ thống NHTM một cách dứt khoát là chính sách được chờ đợi nhiều nhất. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ kinh tế đặc biệt giảm bớt khó khăn cho DNVVN, đặc biệt là những doanh nghiệp trong khu vực xuất khẩu, khu vực sản xuất hàng hỗ trợ công nghiệp Việt Nam đều là rất quan trọng.

Ngoài tác động của việc giải quyết nợ xấu có thể khiến giảm lãi suất cho vay ra trong tương lai, chúng ta cũng cần có chính sách điều chỉnh tỷ giá, ví dụ tăng khoảng 4% về danh nghĩa, làm Đồng Việt Nam yếu đi trên nền kinh tế thế giới, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu trong nước. Hiện nay, Đồng Việt Nam ngày càng bị đánh giá quá cao (mà chủ yếu là do yếu tố lạm phát ở trong nước, đến gần 11% năm 2012), điều này sẽ gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu, mà điển hình là những khó khăn gây phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp xuất khẩu cá ba sa của Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết những khó khăn lớn nhất với ngành ngân hàng và bất động sản trong năm tới ?

TS. Nguyễn Đức Thành: Đối với ngân hàng, khó khăn lớn nhất là đang trong quá trình tái cấu trúc toàn bộ, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ có nhiều vấn đề khó khăn cần đặt trong lộ trình thay đổi rõ rệt, có thể là sát nhập, tái cấu trúc mạnh mẽ, hoặc có thể là giải thể.

Bất động sản năm 2013 gặp nhiều khó khăn, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đưa ra cuối năm 2012 chỉ là một phần, quy mô không lớn, chủ yếu tác động từ phía ở khu vực nhỏ, mà về danh nghĩa là cho người thu nhập thấp. Đây không phải là động lực kéo thị trường trở lại, vì thế thị trường bất động sản vẫn năm trong quỹ đạo đi xuống, đóng băng và giá tiếp tục giảm.

PV: Với những kết quả có được 2012, với những gì chúng ta đề ra cho chính sách năm 2013, đâu là thành phần kinh tế được kỳ vọng thúc đẩy nền kinh tế năm 2013 lên bước phát triển mới?

TS. Nguyễn Đức Thành: Tăng trưởng kinh tế năm 2013 phụ thuộc rất nhiều vào khu vực xuất khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn khu vực doanh nghiệp trong nước chưa có điều kiện khởi sắc trở lại. Năm 2013 còn nhiều khó khăn, chúng ta cần nỗ lực lớn, đặc biệt là từ điều hành chính sách để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp trong nước có được môi trường kinh doanh thuận lợi.

PV: Ông cho rằng lạm phát năm 2013 có thể lên tới 10%, vậy xin ông phân tích kỹ hơn các yếu tố có thể đẩy lạm phát lên mức đó?

TS. Nguyễn Đức Thành: Tôi đang theo dõi những tín hiệu đầu tiên của năm, khả năng lạm phát cao hơn 2012 là rất nhiều. Năm 2012 lạm phát giảm được hỗ trợ nhiều do yếu tố giá lương thực giảm rất mạnh. Năm 2013 giá lương thực có thể giảm hoặc dừng lại, không thể giảm nhiều như năm 2012, do đó bệ đỡ để lạm phát thấp đó không còn nữa. Ngoài ra có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát như: điều chỉnh tiền lương, các phí y tế, giá điện diễn ra ở các thành phố lớn, đó làm nhân tố tác động đến lạm phát trong năm 2013. Vì thế tôi cho rằng lạm phát 2013 có thể lên tới 10% là rất rõ ràng.

PV: Vậy chính sách tiền tệ nên điều hành theo hướng nào để vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa kiềm chế lạm phát?

TS. Nguyễn Đức Thành: Về mặt không gian chính sách hiện nay bị bó hẹp, nghèo nàn. Chính sách tiền tệ đã mở rộng trong năm 2012 nhưng không tác động nhiều đến tăng trưởng của tổng cầu và tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, nếu chúng ta tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ ngay lúc này thì có thể dẫn đến lạm phát. Khả năng chính sách tiền tệ mở rộng không còn nhiều dư địa. Chính vì vậy, các chính sách khác phải thực sự đi vào nền kinh tế như: giải quyết nợ xấu trong hệ thống NHTM, cơ cấu hệ thống ngân hàng, thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước, tạo nguồn lực chảy sang khu vực tư nhân. Thuế cần tiếp tục giãn, giảm (kế hoạch giảm thuế TNDN giữa 2014), nhưng chính Quốc hội cần có chính sách hạ lãi suất lâu dài cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh.

Tôi xin nhấn mạnh, không gian chính sách cho chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa năm 2013 không còn nhiều, nhưng không gian cho chính sách cải cách mạnh mẽ và trong dài hạn thì rất nhiều. Năm 2013, chúng ta phải có những cải cách mạnh mẽ, nếu không làm được thì khó khăn không chỉ dừng lại trong năm 2013 mà có thể kéo dài trong những năm tiếp theo.

PV: Xin ông cho biết dư địa về giảm lãi suất ngân hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Đức Thành: Dư địa về giảm lãi suất tiền gửi không còn nhiều nhưng điều quan trọng đối với nền kinh tế là lãi suất cho vay ra. Lãi suất cho vay không chỉ phụ thuộc vào lãi suất tiền gửi, mà còn phụ thuộc vào bản thân các ngân hàng thương mại, khi còn nợ xấu và phải trích dự phòng rủi ro cao thì trong thời gian tới, NHTM không thể hạ lãi suất cho vay ra một cách đáng kể.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể không mặn mà vay mượn tín dụng trong hoàn cảnh này, do bất ổn vĩ mô, sự tiến bộ của nền kinh tế mơ hồ, bất trắc nhiều, rủi ro cao, môi trường kinh doanh không được cải thiện mà có xu hướng ngày càng xấu đi. Tôi cho rằng nỗ lực hạ lãi suất tiền gửi thời gian qua chỉ mang tính chất tâm lý là nhiều hơn. Nó không tạo hiệu quả thực sự cho khu vực sản xuất thực mà có thể còn là nguyên nhân làm xói mòn ổn định vĩ mô mà tạm thời chúng ta đang có được như lạm phát thấp. Ngoài ra, nó còn có thể gây xáo trộn trên thị trường ngoại hối vì liên quan đến tương quan lãi suất tiền gửi của tiền đồng, USD và tỷ giá VND/USD.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hoan (thực hiện)