Người cuối cùng thực hiện vẫn là nhà thầu Việt, mặc dù đã mất đi những khoản tiền không nhỏ.

Trong đó, nêu rõ “để được tham gia với tư cách thầu chính, thầu chính quản lý, hay thầu phụ, trong ít nhất hai hợp đồng trong vòng 5 năm, mỗi hợp đồng có giá trị ít nhất 40 triệu EUR hay tương đương 1.080 tỷ đồng”.

Gói thầu đã sớm dự báo được kết quả

Nhìn vào số tiền khổng lồ này, hầu hết cácnhà thầu Việt đều lắc đầu ngao ngán, bởi số tiền vượt quá năng lực của họ. Bản chất của gói thầu số 2 này chỉ là thiết kế thi công và thi công 8 ga đường sắt trên cao. Nhưng Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã gộp 8 nhà ga lại để tính giá trị hợp đồng kinh nghiệm lên tới 1.080 tỷ đồng.

Xét ở mức độ phức tạp về kỹ thuật, phương pháp thi công, thì đây là công trình Nhà ga cao 2 tầng - thuộc loại công trình dân dụng - nhóm công cộng - cấp III (theo phụ lục số 01 - phân cấp, phân loại công trình xây dựng kèm theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, ngày 16/12/2004) có yêu cầu kỹ thuật bình thường, giá trị trung bình 1 nhà ga không cao, khoảng 135 tỷ đồng. Có rất nhiều nhà thầu trong nước đã có kinh nghiệm thi công nhóm công trình này.

Và thực tế, nếu chia bình quân giá trị hợp đồng 1.080 tỷ cho thời gian thi công công trình trong 57 tháng (mục 1.3 phần VI, phạm vi hợp đồng), thì mỗi năm, các nhà thầu Việt chỉ quản lý hợp đồng 227 tỷ đồng, số doanh thu mà nhiều doanh nghiệp xây dựng trong nước đạt được.

Điều đáng nói là khó có thể tránh tình trạng sau khi trúng thầu, các nhà thầu nước ngoài sẽ bán gói thầu lại cho nhà thầu Việt thực hiện với giá thấp hơn rất nhiều. Rõ ràng, cuối cùng thực hiện vẫn là nhà thầu Việt, tuy nhiên, đã phải qua trung gian, tức đã mất đi những khoản tiền không nhỏ.

Năng lực cạnh tranh yếu hay đang tồn tại bất cập?

Hàng năm, có khoảng 100 nhà thầu tư vấn, xây dựng nước ngoài vào nhận thầu tại Việt Nam. Nhìn chung, nhà thầu nước ngoài có thế mạnh hơn nhà thầu nội về khả năng tài chính, kinh nghiệm đấu thầu quốc tế và đặc biệt họ đã từng thực hiện nhiều công trình tương tự hoặc lớn hơn so với các gói thầu thực hiện tại Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 3 năm gần đây, các nhà thầu Trung Quốc trúng đến 90% các gói thầu EPC của Việt Nam trong các lĩnh vực như nhiệt điện, khai khoáng, luyện kim, hóa chất... Hầu hết các công trình lớn có vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA… đều do nhà thầu quốc tế đảm nhận, nhà thầu Việt chỉ đóng vai trò nhà thầu phụ.

Một trong những nguyên nhân được lý giải làdo các nhà thầu Việt hạn chế về mặt tài chính. Các nhà thầu tư nhân thường vốn nhỏ từ nguồn vốn góp cổ phần, các nhà thầu lớn có nguồn vốn lớn nhưng do Nhà nước nắm giữ phần chi phối. Chính vì vậy, việc sử dụng nguồn vốn này cần phải được sự phê chuẩn của rất nhiều bước nên mất nhiều thời gian.

Hiện một số chính sách thuế, chính sách tín dụng của Việt Nam chưa ưu đãi đối với chủ đầu tư và nhà thầu trong nước, trong khi một số nhà thầu nước ngoài được hưởng ưu đãi về xúc tiến đầu tư, chính sách thuế, chính sách tín dụng, tỷ giá ngoại tệ… đã tạo nên sự không bình đẳng trong tham gia đấu thầu.

Trong những năm gần đây, hệ thống văn bản pháp luật trong xây dựng đã cơ bản được hoàn thiện, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại liên quan đến công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu nên việc lựa chọn nhà thầu mạnh còn hạn chế.

Chỉ ra hàng loạt những vấn đề trong công tác đấu thầu, ông Bùi Tấn Lực, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Bình Định cho rằng, do thiếu quy định về giá sàn, nên nhiều nhà thầu sẵn sàng hạ giá để trúng thầu, nhưng lại thi công kém chất lượng, hoặc kéo dài, chậm tiến độ, thua lỗ dẫn đến nhiều hệ lụy. Hoặc khi cạnh tranh với các nhà thầu ngoại, như ở Trung Quốc, do có nhiều chính sách ưu đãi, nên nhà thầu Trung Quốc luôn bỏ giá thấp hơn các nhà thầu ở các nước khác, thậm chí thấp hơn cả giá của nhà thầu Việt.

Trong khi đó doanh nghiệp Việt phải chịu lãi suất ngân hàng cao cùng nhiều rào cản khác, khiến nhà thầu Việt chết ngay trên sân nhà, mặc dù năng lực không hề thua kém.

Thêm vào đó, mặc dù pháp luật đã quy định trường hợp tổ chức đấu thầu quốc tế nhưng nhiều chủ đầu tư dự án sử dụng vốn nhà nước chưa tuân thủ nghiêm túc. Nhiều gói thầu nhà thầu trong nước có thể đảm nhận hoặc không nhất thiết phải thực hiện theo hình thức EPC nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức đấu thầu quốc tế hoặc yêu cầu theo hình thức EPC, đồng thời đưa ra điều kiện tài chính khiến nhà thầu trong nước không thể tham dự.

Nhìn lại thực tiễn thi công xây lắp mấy chục năm qua, khi nước ta thi công Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Thuỷ điện Sông Đà, Việt Nam phải thuê hàng nghìn chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn cả về quản lý, thực hành và công nghệ. Ngày nay, với sự trưởng thành vượt bậc của các nhà thầu Việt, trên mọi lĩnh vực thi công phức tạp, từ giao thông đến nhiệt điện, thuỷ điện…Có thể nói, cùng với nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và một môi trường thể chế tốt, nhà thầu Việt có thể vững vàng đảm nhận và làm chủ công nghệ thực hiện nhiều hơn các dự án trong nước.

Nguồn tham khảo:

1. http://cafef.vn/chinh-sach-quy-hoach/du-an-duong-sat-do-thi-ha-noi-nha-thau-viet-co-thua-tren-chinh-san-nha-20130128031652738ca44.chn

2. http://phapluatvn.vn/kinhte/201106/Nha-thau-Viet-mat-diem-ngay-tren-san-nha-2054878/

3. http://www.baomoi.com/Vi-sao-thua-tren-san-nha/148/7813997.epi

Thanh Loan (tổng hợp)