PV: Tình hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nerhu đặt nền móng, đã và đang được các thế hệ lãnh đạo cũng như nhân dân hai nước vun đắp. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự phát triển của quan hệ hai nước trong thời gian qua, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2007?

Thứ trưởng Thường trực Cao Viết Sinh: Việt Nam rất coi trọng quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời với Ấn Độ. Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác song phương đã được phát triển lên tầm quan hệ đối tác chiến lược và tăng cường trên nhiều lĩnh vực, như: chính trị, quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, đào tạo nhân lực, viện trợ song phương.

Hai nước cũng đã và đang nỗ lực tăng cường hơn nữa các nội dung theo tinh thần hợp tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ đã được ký kết năm 2007, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật và văn hóa.

Hiện nay, Ấn Độ là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2010, trao đổi thương mại giữa hai nước đã có bước nhảy vọt cả về mặt lượng và chất, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 993 triệu USD, nhập khẩu đạt 1,746 tỷ USD. Năm 2011, tuy bị ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, nhưng thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 42%, với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa hai nước là 3,9 tỷ USD. Năm 2012, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu giữa Việt Nam - Ấn Độ đạt 3,917 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2011.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh

PV: Ấn Độ được coi là một cường quốc kinh tế đang nổi lên và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam. Thứ trưởng nhận định như thế nào về tiềm năng phát triển trong quan hệ giữa hai nước Ấn Độ - Việt Nam?

Thứ trưởng Thường trực Cao Viết Sinh: Có thể nói, so với các mối quan hệ khác của Việt Nam, quan hệ kinh tế Việt Nam-Ấn Độ vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Những con số trên cho thấy, quan hệ kinh tế Việt Nam-Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI đã có bước phát triển rất nhanh so với thế kỷ trước. Đạt được kết quả đó là có sự nỗ lực to lớn của chính phủ, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp… của cả hai nước.

Với việc triển khai thành công chính sách cải cách mở cửa, Ấn Độ đã đạt được những thành tựu to lớn, vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế, khoa học và công nghệ, giúp không ngừng nâng cao uy tín và vị thế của Ấn Độ trong khu vực và trên thế giới.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là không ngừng tăng cường quan hệ hợp tác với Ấn Độ trong cả khuôn khổ song phương và đa phương. Việt Nam đặc biệt đánh giá cao thực lực và tiềm năng to lớn của Ấn Độ.

Việt Nam hiện nay đã và đang trở thành đối tác quan trọng của Ấn Độ về thương mại và đầu tư, và là một trong những trọng tâm trong quá trình triển khai chính sách "Hướng Đông" của Ấn Độ. Ngược lại, thị trường rộng lớn, tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ và các cơ hội đầu tư tại Ấn Độ đang có sức hấp dẫn lớn đối với Việt Nam.

Năm 2012 được hai nước lấy là năm “Năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ”, kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972-7/1/2012) và cũng là 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ (từ năm 2007). Mối quan hệ hợp tác, đầu tư, phát triển giữa hai nước đã và đang phát huy hiệu quả và ngày càng đi vào thực chất, trên cơ sở những trụ cột then chốt là chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực.

Hai bên đã tăng cường trao đổi nhiều đoàn cấp cao, mà biểu hiện sinh động là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil tháng 11/2008) và chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 10/2011). Quan hệ thương mại hai chiều tăng đều hàng năm và hai nước đặt mục tiêu phấn đấu đạt 7 tỷ USD thương mại hai chiều vào năm 2015.

Ấn Độ và Việt Nam có sự hiểu biết chiến lược trên các diễn đàn khu vực đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), cũng như tại các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên hợp quốc.

Là những nước đang phát triển và có nhiều triển vọng, Ấn Độ và Việt Nam cần tích cực phối hợp với nhau và tận dụng lợi thế này để đối phó hiệu quả với những thách thức đang nổi lên, cũng như nắm bắt các cơ hội phát triển mới.

Hiện nay, trao đổi thương mại Việt Nam - Ấn Độ đã có khuôn khổ pháp lý ổn định. Ấn Độ đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Một loạt hiệp định hợp tác được ký kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư… phát triển mạnh mẽ.

Ấn Độ là đối tác có tiềm năng to lớn trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, sinh học, nano, sinh học phân tử, công nghệ vũ trụ… Ấn Độ cũng đã giúp Việt Nam đào tạo được nhiều chuyên gia và cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin...

Những dự án đầu tư, liên kết, liên doanh giữa hai nước, những dự án ODA của Ấn Độ dành cho Việt Nam trong 40 năm qua luôn mang lại những kết quả thiết thực, cụ thể, đầy hiệu quả và hai bên cùng có lợi. Thời gian gần đây, các dự án sử dụng nguồn tín dụng của Ấn Độ đã và đang được triển khai ngày càng có hiệu quả. Điển hình như khoản tín dụng 19,5 triệu USD năm 2008 Ấn Độ dành cho các dự án thủy điện nhỏ tại Việt Nam. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trao đổi với phía Ấn Độ để sử dụng khoản tín dụng này cho 03 dự án: Dự án Thủy điện Nạm Trai 4 tại Sơn La, dự án Trạm bơm tiêu Bình Bộ tỉnh Phú Thọ và dự án Thủy điện Đa Krông 1 tại Quảng Trị.

Tại Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ năm 2011, Ấn Độ cũng đề nghị cung cấp khỏan tín dụng theo hình thức Tín dụng người mua trị giá 100 triệu USD cho Việt Nam trong các lĩnh vực, như: đường bộ, xây dựng nhà ở, văn phòng, đường ống dẫn dầu và khí ga, điện, năng lượng tái tạo, sân bay, cảng biển và các dự án cơ sở hạ tầng khác. Hiện tại, phía Việt Nam cũng đang tổng hợp danh mục dự án sử dụng khoản tín dụng này để trao đổi với phía Ấn Độ.

Ấn Độ đang triển khai giai đoạn 2 của “Chính sách hướng Đông”. Quan hệ của Ấn Độ với toàn bộ khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và riêng với từng nước trong khu vực này đang chuyển sang một giai đoạn mới. Với vị thế của mình, Việt Nam phải nỗ lực để thúc đẩy mối quan hệ này hơn nữa.

Mặc dù có nhiềm tiềm năng, đầu tư của Ấn Độ mới chỉ đứng thứ 28/92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cũng rất mong Ấn Độ cung cấp nhiều hơn nữa nguồn vốn ODA và tín dụng ưu đãi hỗ trợ Việt Nam phát triển thủy điện, cơ sở hạ tầng…

PV: Hiện nay, rất nhiều công ty Ấn Độ đã tới đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, lượng FDI từ Ấn Độ vẫn còn khiêm tốn. Chúng ta cần làm gì để thu hút nhiều FDI hơn từ các nhà đầu tư Ấn Độ tại Việt Nam, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Thường trực Cao Viết Sinh: Ấn Độ cũng là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam khi nhiều công ty Ấn Độ đã vào những lĩnh vực như dầu khí, thép, khai khoáng, chè, cà phê, đường và chế biến thực phẩm.

Những nhà đầu tư lớn của Ấn Độ tại Việt Nam bao gồm: OVL, Essar Exploration & Production Ltd, Nagarjuna Ltd, Venkateswara Hatcheries, Philips Carbon, McLeod Russell... Bên cạnh đó, Tata Steel cũng đã đưa lên bàn thương thảo kế hoạch đầu tư hơn 5 tỷ USD vào một nhà máy thép ở miền Trung Việt Nam và đang rất triển vọng.

Trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin, NIIT, APTECH và Tata Infotech cho đến nay đã mở hơn 50 trung tâm tại Việt Nam. Việt Nam và Ấn Độ không chỉ đẩy mạnh “quan hệ đối tác chiến lược” mà còn có những kế hoạch lớn nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ sâu rộng giữa hai nước.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, thì lượng FDI từ Ấn Độ vẫn còn khiêm tốn. Tính đến tháng 12/2012, Việt Nam thu hút được 69 dự án từ Ấn Độ, với giá trị trên 252 triệu USD.

Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt là các ngành sản xuất sản phẩm thành phẩm tại Việt Nam trong các lĩnh lực thăm dò, khai thác và chế biến dầu, hóa dầu, thủy lực, khoáng chất, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm và dệt may.

Cả Việt Nam và Ấn Độ đều là những nhà sản xuất lớn của các mặt hàng như hạt tiêu, hạt điều, gạo, cà phê và cao su thiên nhiên. Trên thực tế, Việt Nam đang dành nhiều cơ hội lớn cho các công ty Ấn Độ đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp và chế biến thực phẩm. Các thành phẩm có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng không chỉ ở Việt Nam và Ấn Độ mà còn ở các nước thứ ba, trong và ngoài ASEAN.

PV: Để khai thác tốt hơn thị trường Ấn Độ theo cả chiều rộng và chiều sâu, theo Thứ trưởng, doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để đáp ứng những đòi hỏi của thị trường đầy tiềm năng này?

Thứ trưởng Thường trực Cao Viết Sinh: Giữa Ấn Độ và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên cũng có những điểm khác biệt. Những điểm tương đồng là phân khúc thị trường Ấn Độ gần giống Việt Nam. Cụ thể, với 1,2 tỷ dân, trong đó khoảng 400 triệu dân trung lưu có mức tiêu dùng hàng cao cấp, đại đa số còn lại ở mức thu nhập trung bình hoặc thấp, nên sản phẩm của Việt Nam khi vào thị trường này dễ được chấp nhận. Đặc biệt, khi bối cảnh sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng, đây chính là phân khúc thị trường tốt dành cho hàng hóa các nước, trong đó có Việt Nam.

Có thể thấy, Ấn Độ là một thị trường có tiềm năng vô cùng lớn. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt Nam tập trung phát triển quan hệ với Ấn Độ một cách mạnh mẽ và có chiều sâu thì quan hệ kinh tế của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều. Tại Ấn Độ, doanh nghiệp của Việt Nam có thể phối hợp làm ăn ở nhiều ngành, như: dệt nhuộm, ngành thép, ngành thủy điện, lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, ngành du lịch, đặc biệt là về du lịch tâm linh.

Để doanh nghiệp Việt Nam có thể thành công trên đất Ấn Độ, theo tôi, trước tiên cần đầu tư xây dựng thương hiệu hàng nông sản Việt Nam. Đây là mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ, nhưng do xuất thô quá nhiều nên giá trị thu lại không cao. Đồng thời, vì phải bán qua trung gian, nên chúng ta thường bị bị ép giá, nhất là khi xuất khẩu với số lượng lớn. Vì vậy, để tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam, các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng thương hiệu hàng nông sản Việt Nam bằng cách nâng cao, cải tiến các tiêu chuẩn hàng nông sản nội địa. Các doanh nghiệp cần đầu tư, nghiên cứu tạo ra một số hàng nông sản xuất khẩu chủ lực có thương hiệu Việt Nam, có sức cạnh tranh, có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ hai là chú trọng đầu tư xây dựng chiến lược phát triển thị trường. Các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị trường nông sản Ấn Độ: nhu cầu, thị hiếu, giá cả, tập quán tiêu dùng, hệ thống phân phối, giao lưu hợp tác quốc tế… Mạnh dạn đưa hàng nông sản Việt Nam xâm nhập thị trường Ấn Độ bằng cách tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.

PV: Xin chân thành cám ơn Thứ trưởng!

Phương Anh (thực hiện)