Không thể cứ lỗ là rút phép

Nghi án chuyển giá của nhiều tập đoàn lớn bị phanh phui trong năm 2012 khiến dư luận khá bất bình. Bởi lẽ, trong khó khăn của nền kinh tế, các doanh nghiệp trong nước vẫn phải đóng thuế đầy đủ, thì bằng chiêu "chuyển giá", những gã khổng lồ của nước ngoài đang thu lợi lớn ở Việt Nam lại trốn thuế một cách trắng trợn.

Tại cuộc Họp báo cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, đây là vấn đề hết sức phức tạp. Theo ông Hoàng, vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã làm đề án về chống chuyển giá, trình Chính phủ và được đánh giá cao. Kết quả của đề án này cho thấy, xử lý chuyển giá liên quan nhiều đến thuế, hải quan, quản lý tài chính của doanh nghiệp.

Do vậy, giai đoạn 2 của đề án, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bàn các phương án triển khai. Trong đó, cần phải làm những việc sau: (1) Hoàn thiện khung pháp lý về chống chuyển giá; (2) Tuyên truyền việc hạn chế chuyển giá; (3) Xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ để phát hiện vấn đề chuyển giá; (4) Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về so sánh giá với các nước xung quanh, đây là việc không hề đơn giản; (5) Ban hành quy định về thỏa thuận giá trước với nhà đầu tư; (6) Tăng cường thực hiện các cuộc kiểm tra chống chuyển giá.

Bức xúc trước việc chuyển giá, nhiều ý kiến cho rằng nếu doanh nghiệp FDI lỗ như vậy thì cơ quan chức năng nên rút giấy phép cho doanh nghiệp "bớt lỗ". Vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, không thể nói lỗ là rút phép ngay mà phải tiếp cận để tìm ra nguyên nhân lỗ, từ đó có hướng xử lý cho phù hợp.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp lỗ là điều dễ xảy ra, nếu ta cứ rút giấy phép thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Do vậy, các cơ quan nhà nước phải có thái độ cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn tìm ra nguyên nhân lỗ, nếu nguyên nhân khách quan thì chúng ta phải chia sẻ, nếu nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp, của nhà nước thì mỗi bên phải có những điều chỉnh phù hợp.

Chuyển giá khiến chúng ta thất thu thuế, nhưng ông Hoàng cho rằng, đây chỉ là một trong những nội dung, còn có rất nhiều hình thức khác nhau về trốn nộp thuế, mà việc này thì Bộ Tài chính mới có thể am hiểu rõ để xử lý. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang dự thảo trong nghị quyết sắp tới là đưa ra một loạt các biện pháp để các cơ quan nhà nước tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm soát. Trong đó tất cả các cơ quan, ban, ngành đều phải đồng bộ triển khai chứ không thể dồn vào một cơ quan.

Đóng góp của FDI khó định lượng hết

Nhiều nghi vấn cho rằng khu vực FDI liệu có thực sự đem lại lợi ích cho Việt Nam hay không? Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng khằng định, đóng góp của khu vực này là rất tích cực vào nền kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo tổng kết 25 năm thu hút FDI được nhiều chuyên gia xem xét, thẩm định qua cũng đánh giá như vậy. Ông Hoàng cho biết, chúng ta chỉ nói ra được những phần định lượng như đóng góp xuất khẩu, tạo việc lâm..., còn có những cái chúng ta không thể định lượng được.

Bên cạnh đó cũng có những việc chưa thực sự đạt được kỳ vọng. Chẳng hạn như về chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở Luật Công nghệ, hiện nay chúng ta quy định trên cơ chế thỏa thuận nên rất khó ép nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ.

Trong lĩnh vực nông thôn, thu hút nước ngoài rất hạn chế. Ngay cả doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp cũng thấp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang trình việc sửa chữa, bổ sung, sửa đổi Nghị định 61 về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và vùng khó khăn đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong khu vực FDI, ngoài việc khuyến khích đầu tư vào KKT, KCN, cố gắng đưa ra nhiều khuyến khích mạnh hơn khi đầu tư vào khu vực nông thôn khó khăn.

Hoàn thiện khung pháp lý rất cấp thiết

Hiện nay đang có sự cạnh tranh nguồn vốn FDI trong khu vực, nên Chính phủ thấy cần phải có sự đổi mới một cách đồng bộ, quyết liệt thì mới có thể cạnh tranh nổi với xu thế này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một nhận định quan trọng trong báo cáo tổng kết 25 năm thu hút FDI là khung pháp lý về quản lý FDI của Việt Nam chưa được hoàn thiện. Điều này khiến chúng ta bị lúng túng với nhiều tình huống phát sinh.

Chẳng hạn như việc doanh nghiệp FDI vay nợ tín dụng trong nước rồi bỏ trốn, mặc dù tỷ lệ này ít nhưng có xảy ra tại một số địa bàn khu công nghiệp. Đây là vấn đề hết sức phức tạp, trong pháp luật của chúng ta, những quy định về xử lý vi phạm cũng không rõ ràng.

Bởi, khung pháp lý này do rất nhiều bộ, ngành soạn thảo ra nên có nhiều điều chồng chéo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tập hợp tất cả những vuớng mắc trong thể chế về FDI để đưa ra hướng xử lý trong Đề án nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020. Thời gian tới cũng sẽ phải tham khảo các chế tài của các nước để đề phòng những việc này xảy ra.

Năm 2012, Việt Nam thu hút được hơn 13 tỷ USD vốn đầu tư FDI, so với mục tiêu đề ra đầu năm từ 15-17 tỷ USD là không hoàn thành. Tuy nhiên, vốn giải ngân lại khá tích cực, đạt 10,46 tỷ USD, bằng 95% năm 2011. Năm nay, khu vực FDI đã đóng vai trò quyết định vào kết quả xuất siêu của Việt Nam sau 20 năm. Tính cả dầu thô, khu vực này xuất siêu tới 13,07 tỷ USD, đưa cả nền kinh tế xuất siêu khoảng 284 triệu USD.

Việc phân cấp cấp phép FDI hiện nay cũng có nhiều bất cập. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, một số loại dự án cần phải đưa lên cơ quan Trung ương thẩm tra. Các dự án quy mô lớn, tác động lớn, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Quốc hội, các dự án có tính lan tỏa kinh tế cao thì phải có quy trình thẩm tra chặt chẽ lấy ý kiến các bộ, ngành. Quy định về phân cấp trong thời gian tới cũng sẽ chặt chẽ hơn quy trình thẩm tra các dự án này.

Đề án nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020 đã được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh báo cáo trước phiên họp Chính phủ và được Chính phủ đánh giá cao về nội dung. Kết quả sau sau Đề án này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo nghị quyết để nâng cao đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Bộ đang soạn thảo và dự kiến trong tháng 1 sẽ hoàn thiện dự thảo và trình lên Chính phủ./.

Anh Đức