Thực trạng thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam được thể hiện dưới 04 hình thức chính: (1) Đầu tư trực tiếp (FDI); (2) Đầu tư gián tiếp (FII); (3) Tín dụng quốc tế (chủ yếu thu hút qua hình thức thu hút vốn ODA); (4) Nguồn kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm.

1. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI): Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn vốn này, ngay từ năm 1987, Chính phủ đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Từ đó, việc thu hút nguồn vốn này đã đạt những thành tựu quan trọng.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 11/2012, cả nước có 14.198 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là hơn 208,1 tỷ USD. Quá trình thu hút FDI có thể chia ra các giai đoạn sau:

- Giai đoạn 1988-1990, Luật Đầu tư nước ngoài vừa mới ra đời. Vì vậy, việc thu hút vốn FDI lúc này chưa tác động rõ rệt đến kinh tế - xã hội Việt Nam.

- Giai đoạn hai từ 1991-1997 là những năm diễn ra làn sóng FDI thứ nhất. Giai đoạn này đã thu hút được 2.130 dự án với vốn đăng ký là hơn 33,4 tỷ USD, vốn thực hiện 12,34 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng năm 1997, vốn thực hiện đã đạt 3,115 tỷ USD, gấp gần 9,5 lần năm 1991.

- Giai đoạn 1998-2004, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, nên trong số 3.968 dự án mới trong giai đoạn này, phần lớn có quy mô nhỏ. Nếu năm 1998 có hơn 5 tỷ USD vốn đăng ký, thì sang năm 1999 đã giảm còn một nửa với 2,565 tỷ USD và hồi phục dần đến năm 2004 là 4,547 tỷ USD.

- Giai đoạn 2005-2009, bắt đầu một làn sóng FDI thứ hai vào Việt Nam. Đỉnh điểm là năm 2008 khi vốn đăng ký đạt hơn 71 tỷ USD.

- Giai đoạn từ năm 2010 đến nay, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, tình hình thu hút có chiều hướng giảm xuống. Cụ thể, năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt mục tiêu thu hút khoảng 20-21 tỷ USD vốn FDI, nhưng kết quả là chỉ đạt 14,7 tỷ USD. Năm 2012, mặc dù đã giảm mục tiêu thu hút xuống còn 15-17 tỷ USD, nhưng tính đến hết tháng 11, Việt Nam mới thu hút được 12,181 tỷ USD, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, việc đạt mục tiêu này đang trở thành nhiệm vụ bất khả thi đối với Việt Nam.

Bảng 1: Đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam giai đoạn 2006-2011

Năm

Vốn đăng ký

Vốn thực hiện

Giá trị (triệu USD)

Tỷ lệ tăng so với 2006 (%)

Giá trị (triệu USD)

Tỷ lệ tăng so với 2006 (%)

2006

12.044

-

4.100

-

2007

21.348

77,8

8.030

95,9

2008

71.726

497.5

11.500

180,5

2009

23.107

92,5

10.000

143,9

1010

19.764

64,6

11.000

168,3

2011

14.696

22,4

11.000

168,3

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

2. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII): Các doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình cải cách và cổ phần hoá nhằm gia tăng năng lực và hiệu quả cạnh tranh khi gia nhập WTO. Cổ phần hoá phải đi đôi với việc hình thành các thị trường vốn, các kênh huy động vốn (hạt nhân là thị trường chứng khoán (TTCK)). Các mối quan hệ kinh tế gia tăng, dòng vốn lưu chuyển nhanh sẽ góp phần tạo ra các hiệu ứng tốt đối với hoạt động của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc tham gia của các nhà đầu tư FII sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính, giúp cho thị trường tài chính minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn, xác lập giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết một cách chuyên nghiệp, giảm thiểu những giao động “phi thị trường”, góp phần vào giải quyết một cách cơ bản các mối quan hệ kinh tế (vốn, công nghệ, quản lý…).

Có thể chia quá trình thu hút nguồn vốn này ra các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1991-1997: Tuy chưa có TTCK, FII đã vào Việt Nam từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX. Thời gian này có 7 quỹ với số vốn khoảng 400 triệu USD; trong đó có 4 quỹ đại chúng niêm yết ở Anh, Ireland... Đây là những quỹ mạo hiểm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, giá chứng chỉ các quỹ này tăng và luôn cao hơn NAV (giá trị tài sản ròng). Hai năm 1996-1997, do tác động của khủng hoảng tài chính châu Á, giá chứng chỉ của 4 quỹ niêm yết giảm mạnh, mức chiết khấu từ 43,6-47,7% so với NAV. Lúc bấy giờ, số công ty cổ phần hóa còn ít. Suốt những năm 1992-1998 cả nước chỉ có 38 doanh nghiệp tư nhân được thành lập, 128 đơn vị được cổ phần hóa.

Giai đoạn 1997-2002:Khủng hoảng tài chính châu Á cũng có những tác động tiêu cực tới thu hút vốn FII vào Việt Nam. Từ năm 1998-2002 không có quỹ đầu tư mới ra đời. Trái lại, các quỹ “đua nhau” rút vốn, giảm quy mô: 5/7 quỹ rút khỏi Việt Nam; một quỹ thu hẹp 90% quy mô; chỉ còn duy nhất quỹ Vietnam Enterprise Investment Fund (Veil) bám trụ.

Giai đoạn 2003 đến nay: Từ năm 2003, dòng vốn FII vào Việt Nam hồi phục, tăng dần từng năm và tăng đột biến vào năm 2006-2007. Báo cáo của Ngân hàng ANZ cho biết, từ năm 2001-2006 vốn FII đạt khoảng 12 tỷ USD và năm 2007 đạt khoảng 5,7 tỷ USD. Năm 2008 và đầu năm 2009, trước những khó khăn của nền kinh tế, dòng vốn FII có dấu hiệu chững lại và một phần đã được rút ra. Từ cuối quý II/2009, có sự đảo chiều và quay trở lại của vốn FII, nhưng không thật sự mạnh như mong đợi. Trong năm 2010, nguồn vốn FII vào Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, năm 2011 đạt mức 1 tỷ USD.

Theo thống kê của ngân hàng HSBC, quý I/2012, có khoảng 500 triệu USD chảy vào TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, sang quý II, thị trường lại có những biến chuyển khác. Chỉ tính riêng trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay, dòng vốn FII đã âm hơn 4,9 triệu USD, trong khi đó, quý I/2012 khối này đã mua ròng gần 43 triệu USD. Sự suy giảm của dòng vốn FII cũng chính là lý do TTCK càng ngày càng ảm đạm trong những tháng qua.

3. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Đây là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, là hình thức tín dụng quốc tế nhằm hỗ trợ các nước cải thiện môi trường đầu tư hoặc cải thiện môi trường sống của quốc gia.

Lãi suất vay ODA thường thấp, bình quân từ 2-4%/năm so với lãi vay thương mại. Nguồn vốn ODA vào Việt Nam gia tăng đáng kể ở cả 3 giác độ: cam kết, ký kết và giải ngân. Trong đó, nguồn vốn dành cho nhà đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm 40% tổng vốn ODA đã góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế Việt Nam.

4. Nguồn kiều hối gửi về Việt Nam hàng năm:Ngày 12/09/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 170/1999/QĐ-TTg khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Tiếp theo đó từ đầu tháng 06/2006, Pháp lệnh Ngoại hối của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực đã tác động trực tiếp đến nguồn kiều hối, cụ thể là việc mở rộng đối tượng được vay vốn nước ngoài, bao gồm cả cá nhân. Việt kiều có thể chuyển tiền về nước cho người thân để đầu tư, kinh doanh dưới hình thức cho vay, cho mượn vốn kinh doanh.

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi nội tệ cũng có sự chênh lệch khá cao so với lãi suất ngoại tệ nên đã thúc đẩy kiều hối tăng. Ngoài ra, số lượng người đi xuất khẩu lao động tăng lên hàng năm. Trong 02 năm 2010-2011, bình quân lượng kiều hối gửi về Việt Nam theo đường chính thức thông qua hệ thống ngân hàng mỗi năm khoảng 9 tỷ USD; riêng năm 2012, mặc dù kinh tế thế giới và Việt Nam còn rất khó khăn, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn không giảm, dự kiến năm nay, kiều hối trên 10 tỷ USD.

Như vậy, nếu tính từ năm 2006 đến nay, thì tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam khoảng 55 tỷ USD. Đây là một lượng tiền rất lớn nằm trong dân cần khai thác, đưa vào phục vụ đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Dự báo diễn biến các dòng vốn trong năm 2013

Theo nghiên cứu của TS. Lương Văn Khôi và các cộng sự (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong nửa đầu năm 2012,dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)toàn cầu đạt 668 tỷ USD, giảm 8% (tương đương 61 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2011 do tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu đi xuống trong quý II/2012. Mức sụt giảm 61 tỷ USD này chủ yếu do dòng vốn FDI vào Mỹ giảm 37 tỷ USD và FDI vào các nước BRIC giảm 23 tỷ USD. Tổ chức UNCTAD (7/2012) dự báo dòng vốn FDI 2012 đạt mức khoảng 1.600 tỷ USD, cao hơn 1 chút so với mức 1.524 tỷ năm 2011.

Dòng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) toàn cầu của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển, theo báo cáo của OECD (tháng 4/2012) đã giảm gần 2,7% trong năm 2011. Khó khăn tài chính tại một số quốc gia thuộc DAC ảnh hưởng đến ngân sách dành cho ODA. Khảo sát của OECD về kế hoạch chi tiêu của các nước tài trợ trong giai đoạn 2012-2015 cho thấy,dòng vốn ODA toàn cầu có thể tăng 6% trong năm 2012, chủ yếu do tăng các khoản cho vay ưu đãi từ các tổ chức đa phương từ nguồn bổ sung vốn cho giai đoạn 2009-2011.Tuy nhiên, từ năm 2013, khi tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế lên dòng vốn viện trợ hiện hữu đầy đủ, dòng vốn ODA toàn cầu sẽ trì trệ hơn.

Dòng vốn kiều hốivào các nước đang phát triển ước tính đạt 372 tỷ USD trong năm 2011, tăng 12,1% so với năm 2010 và dự báo sẽ tăng lên 399 tỷ USD vào năm 2012 (WB, 4/2012). Dòng vốn kiều hối toàn cầu, bao gồm cả dòng vốn vào các nước thu nhập cao tăng từ 453 tỷ USD trong năm 2010 lên 501 tỷ USD năm 2011 và dự báo tăng lên 533 tỷ USD năm 2012. So với các dòng vốn khác, dòng vốn kiều hối ổn định trong suốt thời kỳ khủng hoảng.

Trong điều kiện thị trường vốn của Việt Nam đang gặp khó khăn như hiện nay, việc phần lớn các dòng vốn quốc tế tiếp tục xu hướng hồi phục, mặc dù với tốc độ chậm hơn do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công châu Âu, sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2012 cho thấy, Việt Nam chưa tận dụng được hết những lợi thế này. Đặc biệt, trong bối cảnh, cạnh tranh thu hút vốn đầu tư cũng đang diễn ra quyết liệt giữa Việt Nam với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước khu vực Đông và Nam Âu, khu vực Đông Nam Á với hoàn cảnh tương tự, nhưng có một số mặt lợi thế hơn Việt Nam.

Một số đề xuất, kiến nghị

Để có thể duy trì việc thu hút nguồn vốn, cũng như phát huy hiệu quả của các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, xin đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần quy định chăt chẽ doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán công bố thông tin rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt, cần có biện pháp xử lý nghiêm, phạt nặng những đơn vị không chấp hành. Mục đích chính là tạo luồng dư luận cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần các công ty Việt Nam. Đi đầu thực hiện công khai, minh bạch công bố thông tin là các doanh nghiệp nhà nước (kể cả những đơn vị chưa niêm yết trên sàn chứng khoán). Đồng thời, có cơ chế khuyến khích thu hút dòng vốn FII theo hướng tuân thủ các cam kết WTO và cam kết quốc tế khác.

Thứ hai, Chính phủ cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo giảm lạm phát xuống xoay quanh mức 5%/năm; lãi suất ngân hàng xoay quanh mức 10%/năm; đồng thời tỷ giá ổn định. Đây là điều kiện tiên quyết giúp cho doanh nghiệp trong nước ổn định kinh doanh, cũng như cải thiện môi trường kinh doanh hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, Nhà nước cần thành lập ủy ban nâng cao tín nhiệm tín dụng quốc gia. Thành phần bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ. Ủy ban này xem xét đề xuất biện pháp, hướng xử lý những khoản nợ của Việt Nam với nước ngoài đã đến hạn nhưng không có khả năng trả. Noah ra, cần có giải pháp cụ thể nâng dần độ tín nhiệm tín dụng quốc tế của Việt Nam.

Thứ tư, Nhà nước cần tập trung, cần có nhiều chế độ, chính sách ưu đãi cho những đối tác đầu tư chiến lược của Việt Nam (như: Hàn Quốc, Nhật Bản). Tuy nhiên, cần xem xét cho ký quỹ trước khi đầu tư (hình thức đặt cọc) cũng như xem xét quy mô sử dụng đất từ thấp nâng dần lên cao. Tránh tình trạng một doanh nghiệp quốc tế đưa kế hoạch sử dụng hàng 1.000 ha đất, nhưng chưa chắc đã sử dụng đến trong một thời gian dài, làm mất cơ hội đầu tư của nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác.

Thứ năm, Nhà nước cần tập trung, khẩn trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại lành mạnh phát triển bền vững; đây là kênh chứng minh và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền vào đầu tư tại Việt Nam. Thực hiện nghiêm công khai, minh bạch công bố thông tin; thực hiện tuân thủ những chuẩn mực quốc tế trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Thứ sáu,Nhà nước cần hợp tác với các nước quốc tế trong việc tập trung quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA. Thông qua đó giữ được nguồn cam kết và giải ngân nguồn vốn ODA cho Việt Nam.

Thứ bảy, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư: Cần nâng cao chất lượng của các chương trình, đề án thuộc xúc tiến đầu tư quốc gia theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức đi vào chiều sâu. Kiến nghị cho phép các tham tán thương mại Việt Nam tại các nước được phép thu phí hoa hồng tư vấn đối với các doanh nghiệp trong nước Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Lương Văn Khôi và các cộng sự (2012). Kinh tế thế giới 2012 và dự báo 2013, báo cáo tại Hội thảo khoa học Kinh tế Việt Nam năm 2012 và triển vọng phát triển năm 2013, tháng 12/2012.

2. Anh Đức (2012). 25 năm thu hút FDI: Còn nhiều việc phải làm, Tạp chí điện tử Kinh tế và Dự báo, truy cập tại http://kinhtevadubao.vn/p0c303n14723/25-nam-thu-hut-fdi-con-nhieu-viec-phai-lam.htm

3. Lê Văn Châu (2011). Bảy vấn đề cần tháo gỡ trong thu hút FII, Tạp chí Đầu tư nước ngoài, tháng 10/2011, truy cập tại http://diendandautu.vn/c12n2011102008302200000/bay-van-de-can-thao-go-cho-dong-von-fii.html

CEO Đặng Đức Thành - Ủy viên BCH VCCI