Trong đó: vốn đăng ký cấp mới là 7,797 tỷ USD với 1.097 dự án; vốn đăng ký tăng thêm là 4,925 tỷ USD với 406 dự án.

Như vậy, so với mục tiêu thu hút 15-17 tỷ USD vốn FDI được đặt ra từ đầu năm, chúng ta mới chỉ hoàn thành 84,8% kế hoạch (nếu lấy mục tiêu là 15 tỷ USD). Thu hút FDI trong năm nay đã giảm đáng kể khi chỉ bằng 77,6% so với năm 2011. Điều này cho thấy sự khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng cũng cảnh báo môi trường đầu tư tại Việt Nam liệu có còn hấp dẫn?

Tình hình vốn giải ngân trong năm nay cũng chỉ bằng 95% so với năm 2011, đạt 10,46 tỷ USD. Tuy nhiên, so với bối cảnh lượng vốn đăng ký giảm sâu thì vốn giải ngân năm nay cũng có thể coi là ổn định.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút FDI chủ yếu trong năm nay, chiếm tới 70% và đạt 8,190 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Mặc dù chỉ có 10 dự án cấp mới và 5 dự án tăng vốn, nhưng do lượng vốn đầu tư lớn nên lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ hai, chiếm 14,5% với giá trị 1,85 tỷ USD.

Một số dự án tiêu biểu trong năm nay đó là: Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD; Dự án tăng vốn mở rộng sản xuất thêm 870 triệu USD của Công ty TNHH Wintek Việt Nam tại Bắc Giang và dự án của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghiệp Bắc Ninh với số vốn là 830 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD; Dự án Công ty sản xuất toàn cầu LIXIL Việt Nam tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 441 triệu USD.

Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu khi chiếm tới 40,3% lượng vốn FDI với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là hơn 5,127 tỷ USD. Đứng ở vị trí thứ hai là Singapore, tuy nhiên bỏ khá xa vị trí đầu khi chỉ chiếm 12,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Hàn Quốc là quốc gia đứng ở vị trí thứ ba, chiếm 9,1% và cùng với Nhật Bản là 2 quốc gia Đông Á chiếm tới 50% lượng vốn FDI vào Việt Nam.

Bình Dương vẫn chứng tỏ là địa phương vượt trội nhất trong thu hút FDI. Năm nay, địa phương này thu hút được 2,386 tỷ USD, chiếm 18,8% vốn FDI của cả nước. Đứng tiếp theo là Hải Phòng (9,2%); Đồng Nai (8,8%); TP. Hồ Chí Minh (8,7%); Bắc Ninh (8,7%); Hà Nội (8,7%)...

Thu hút FDI mặc dù giảm, song khu vực này có kim ngạch xuất khẩu tăng 33,5% so với năm ngoái, đạt 63,9 triệu USD (không kể dầu thô). Tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu cũng tăng tới 23,5%, đạt 60,33 triệu USD.

Năm 2012 đã khép lại, ngoài việc thu hút FDI không đạt kế hoạch, năm nay cũng có một loạt vấn đề nóng trong khu vực này khi nhiều tập đoàn lớn bị tố có hành vi chuyển giá, nhiều doanh nghiệp "mất tích" để lại những khoản nợ lớn... Năm nay cũng là năm tổng kết 25 năm thu hút FDI vào Việt Nam, nhiều hạn chế, yếu kém và phương hướng đã được đưa ra, trong đó nhiều quan điểm cho rằng khu vực này có nhiều ưu đãi nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Chúng ta cũng phải lựa chọn dự án chât lượng hơn, tránh thu hút đạt thành tích số lượng. Mong rằng, năm 2013 và các năm tiếp theo, bên cạnh việc thu hút thêm nhiều vốn FDI, các dự án cũng sẽ có đóng góp thực chất hơn cho nền kinh tế, chứ không phải là nơi để các nhà đầu tư chuyển giá, trong khi nhà nước không thu lợi được gì từ các dự án này./.

Anh Đức