Dấu ấn đậm nét trong phát triển kinh tế - xã hội

Kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 đến nay, trải qua 30 năm, Việt Nam đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận trong thu hút FDI. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 31/12/2017, đã có 24.803 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 319,6 tỷ USD. Cho đến hết năm 2017, FDI đã trải rộng khắp cả nước, không còn địa phương “trắng” FDI với sự đầu tư của 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. FDI đóng góp khoảng 72,6% giá trị xuất khẩu, 20% GDP của cả nước, 14,46% nguồn thu ngân sách nhà nước và tạo ra trên 3,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 4-5 triệu lao động gián tiếp.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới vai trò của nguồn vốn này trong việc nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế, đặc biệt là trong một số ngành, như: dầu khí, điện tử,viễn thông, tin học, cơ khí chế tạo ô tô, xe máy và dệt may, giày dép.

Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã có nhiều công ty công nghệ cao chọn Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình.

Samsung là một trong những doanh nghiệp FDI lớn hàng đầu tại Việt Nam

Đơn cử như những tập đoàn lớn, bao gồm: Sanyo, Samsung, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec, Intel, Microsoft… Các tập đoàn này đã xây dựng nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại và đang tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam.

Những dự án đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia là tín hiệu rõ nét cho thấy, Việt Nam đang chuyển dịch từ ngành công nghiệp sản xuất giá trị thấp sang sản xuất có giá trị cao hơn. Đây chính là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh dòng vốn FDI đang có những khó khăn cũng như cạnh tranh lớn hiện nay. Điều này cũng cho thấy, Việt Nam là một điểm đầu tư tốt với các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là với các dự án công nghệ cao.

Hơn nữa, nhờ có FDI, Việt Nam đã vững bước tiến vào sân chơi toàn cầu và tiếp theo tham gia vào 12 hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu với Hàn Quốc và với Liên minh kinh tế Á-Âu, cùng với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về tham gia các hiệp định thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có hầu hết các nước lớn thuộc trung tâm kinh tế - chính trị hàng đầu thế giới, như: Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản, trong đó 15 nước thuộc thành viên G20.

Nhưng quan trọng hơn, đầu tư nước ngoài đã tạo ra thế và lực mới, cũng như tầm vóc và vai trò của Việt Nam trên thế giới và khu vực, tạo nên lợi ích đan xen giữa các nước lớn tại Việt Nam.

Đặc biệt, việc thu hút nguồn vốn FDI cũng giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Loại bỏ những "mảng tối"

Đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế là không thể phủ nhận, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh những dấu ấn tích cực, khu vực FDI vẫn còn bộc lộ những hạn chế.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, có hiện tượng doanh nghiệp FDI áp dụng thủ thuật chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại. Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ khá cao (khoảng trên 50% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động).

Bên cạnh đó, việc thu hút vào một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn có sự chênh lệch. Theo đó, nông nghiệp dù có tiềm năng cơ bản về đất đai, thổ nhưỡng, tài nguyên rừng và mặt nước cũng như lực lượng lao động nhưng vẫn thiếu sức hút với FDI. Tính đến hết năm 2017, Việt Nam thu hút được trên 3,5 tỷ USD với 511 dự án FDI, chiếm chỉ hơn 2% tổng số dự án và hơn 1% tổng vốn đăng ký. Bình quân mỗi dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp có quy mô vốn rất thấp so với bình quân các dự án khác (6,9 triệu USD/dự án so với 15 triệu USD/dự án). Cơ cấu thu hút FDI không đồng đều giữa các tỉnh/thành phố, tập trung chủ yếu ở địa phương thuộc vùng Kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài ra, sự llên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa đạt như kỳ vọng, chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp. Phát biểu tại “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018: Liên kết doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hướng tới lợi ích chung” tổ chức ngày 04/07, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp.

Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, doanh nghiệp FDI không liên kết được với doanh nghiệp trong nước là do, mấu chốt nằm ở vấn đề công nghệ. Các chỉ số liên quan đến khả năng hấp thụ, nắm giữ và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước chưa đủ tiêu chuẩn và chưa đủ khả năng kết nối vào với doanh nghiệp FDI.

Cũng bàn về vấn đề công nghệ, theo TS. Phan Hữu Thắng, công nghệ mà các doanh nghiệp FDI đưa vào Việt Nam tuy cao hơn mức Việt Nam có, nhưng phần lớn là các công nghệ trung bình, hoặc trung bình tiên tiến so với các nước trong khu vực (trừ một số các dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực điện tử - viễn thông, thiết bị tin học...). Đây cũng là các công nghệ đưa vào Việt Nam theo lợi ích của nhà đầu tư, chứ không theo nhu cầu đổi mới công nghệ do Việt Nam chủ động đưa ra hoặc đòi hỏi.

Hơn nữa, việc tiếp thu FDI công nghệ cao còn yếu, thể hiện qua việc chúng ta chưa chủ động đào tạo, bố trí cán bộ và công nhân kỹ thuật trẻ vào làm việc tại các doanh nghiệp FDI công nghệ cao, để lực lượng này có thể từng bước tiếp nhận, vận hành và làm chủ được công nghệ, áp dụng vào thực tiễn Việt Nam sau này.

Còn theo đánh giá của GS, TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhược điểm chính của FDI hiện nay chính là tác động lan toả. Ông khẳng định, tại Việt Nam, tác động lan toả chưa được như kỳ vọng, thể hiện trong việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hạn chế trong việc tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, Việt Nam có 21% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 30%, ở Malaysia là 46%. Chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu có 2 đầu: đầu giá trị gia tăng cao và đầu giá trị gia tăng thấp. Nhưng trong một số ngành của Việt Nam, các doanh nghiệp của ta chủ yếu tập trung vào khâu có giá trị gia tăng thấp, như: may mặc, da giày, gia công chế biến sản phẩm thô...

Đây là những nguyên nhân dẫn đến đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài cho tăng trưởng thấp dưới tiềm năng. So sánh với Trung Quốc, một quốc gia thực hiện chiến lược tăng trưởng dựa trên xuất khẩu như Việt Nam, đã đạt tăng trưởng bình quân 7,6%/năm giai đoạn 2011-2017, nhưng tỷ lệ xuất khẩu trên GDP chỉ khoảng 23%. Trong khi đó, Việt Nam đạt tỷ lệ xuất khẩu trên GDP lên đến 81,2%, nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt bình quân 6,1%/năm trong cùng giai đoạn.

Lựa chọn, thu hút các dự án FDI chất lượng cao

Trả lời báo điện tử Thông tấn xã Việt Nam vào ngày 02/09/2018, về quan điểm định hướng thu hút FDI trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, cần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để lựa chọn, thu hút các dự án FDI chất lượng cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như những biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế; đồng thời, cần xác định những lĩnh vực, ngành nghề và đối tác cần ưu tiên thu hút FDI.

“Trước mắt, chúng ta phải tập trung ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao của các tập đoàn xuyên quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh”, Thứ trưởng chỉ rõ.

Cũng đề xuất giải pháp để chuyển giao công nghệ gắn với FDI đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn, theo TS. Phan Hữu Thắng, chính sách thu hút FDI công nghệ cao và ưu đãi khi chuyển giao công nghệ cần phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của quốc gia.

"Việt Nam cũng là một trong nước giàu tiềm năng về nông nghiệp. Những năm gần đây, với việc áp dụng các công nghệ mới trong trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản…, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã xuất khẩu được với giá trị lớn. Để tận dụng những lợi thế này, bên cạnh đẩy mạnh thu hút công nghệ cao vào các ngành công nghiệp, Nhà nước cần tạo diện tích canh tác lớn, dành ưu đãi cao cho các dự án FDI công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp trong giai đoạn tới", nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Đồng thời, cần xem xét lại toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện tại đối với FDI và tập trung ưu đãi cho các dự án công nghệ cao để hướng các nhà đầu tư FDI vào các dự án công nghệ cao mà Việt Nam cần (nói chung trong giai đoạn tới chỉ nên dành ưu tiên đặc biệt cho các dự án FDI công nghệ cao). Đối với những lĩnh vực và địa bàn mà các doanh nghiệp Việt Nam đã có thể thực hiện bằng công nghệ và kỹ thuật ngang bằng mức tiên tiến thế giới, thì không thu hút FDI (như: bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, bán buôn - bán lẻ...).

Để nâng cao tính lan tỏa của khu vực FDI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại đề xuất, đối với một số dự án mà doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài thì khuyến khích thực hiện bằng hình thức “doanh nghiệp liên doanh” để thông qua quan hệ hợp tác cùng có lợi nhằm chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, nâng cao trình độ lành nghề của đội ngũ công nhân, kỹ sư và cán bộ Việt Nam.

“Trong khi vẫn coi trọng thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Do đó, cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng kinh tế, từng địa phương”, GS, TSKH. Nguyễn Mại cho biết./.