Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bà KwaKwa tai Hội nghị CG

Khẳng định sự quan tâm hợp tác, giúp đỡ và theo sát từng bước sự phát triển của Việt Namcủa các nhà tài trợ qua mỗi phiên họp CG trong 20 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với sự hỗ trợ quý báu của các nhà tài trợ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, qua mỗi kỳ CG trên suốt chặng đường 20 năm qua, các nhà tài trợ đã theo sát và giúp đỡ Việt Nam từ một quốc gia nghèo, kém phát triển đến nay đã trở thành nước thu nhập trung bình. Nếu như năm 1992, GDP bình quân đầu người chỉ đạt 140USD/năm/người thì năm 2012 là 1600USD/ người/năm.

"Việc Việt Nam sớm hoàn thành các mục tiêu niên kỷ và xóa đói giảm nghèo thể hiện sự hợp tác kiên trì có hiệu quả cuả các nhà tài trợ trong suốt 20 năm qua", Thủ tướng khẳng định.

Năm 2012, trong bối cảnh trao đổi thương mại toàn cầu giảm, trong nước phải đối phó với lạm phát cao, tín dụng tăng trưởng thấp, đời sống nhân dân khó khăn do thiên tai và dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, Việt Nam triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, cuối năm 2012 đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định hơn, tăng trưởng bình quân GDP 2012 ước đạt 5,2% , nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt 27 tỷ USD, tăng 8%. Năm 2012, lạm phát được kiềm chế dự kiến cả năm khoảng 7,5%, xuất khẩu tăng 18%, cơ bản cân bằng được cán cân thanh toán quốc tế thặng dư trên 8 tỷ USD, tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố.

Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả khả quan, bước đầu đang thực hiện tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được thực hiện. Năm 2012, an sinh, phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm do thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách xã hội, số lao động được tạo viêc trên đạt 1,5 triệu người, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 10%, giảm 1,76% so với 2011.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận rằng,mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và tồn tại, trong đó nổi lên là:kinh tế vĩ mô và kết quả kiềm chế lạm phát chưa vững chắc; do nguồn lực có hạn nên việc mở rộng diện và nâng mức hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và cải cách tiền lương chưa đáp ứng được yêu cầu; việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều...

Đặc biệt nhấn mạnh mộ tồn tại lớn là tiến trình cổ phần hóa DNNN còn chậm, quá trình tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, ngân hàng thương mại còn nhiều khó khăn, Thủ tướng cho biết trong các giải pháp của năm 2013 là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấudoanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, Thủ tướng cho biết, năm tới sẽ "Đẩy mạnh, đẩy nhanh cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hoàn thiện thể chế để đặt DNNN hoạt động đầy đủ trong cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, công khai, minh bạch hoạt động như các doanh nghiệp đại chúng đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, tăng cường kiểm tra giám sát các DNNN cũng như các ngân hàng thương mại".

Cùng với đó, Thủ tướng cũng cho biết, sẽ triển khai các giải pháp minh bạch thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả ngân sách và vốn xã hội hóa trong củng cố kết cấu hạ tầng, tăng trưởng xanh, tập trung đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng... để môi trường thương mại đầu tư ở Việt Nam hấp dẫn không thua kém các quốc gia trong khu vực.

Thủ tướng cũng mong muốn các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ tăng cường hợp tác công tư (PPP) để phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, huy động nhiều nguồn vốn đầu tư từ ngoài nhà nuớc để phát triển hạ tầng.

Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế. "Việt Nam đang tham gia tích cực và có trách nhiệm trong đàm phán Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc...".

Cam kết với các nhà tài trợ quốc tế thực hiện đầy đủ hơn cơ chế thị trường, hội nhập, dân chủ, công khai và minh bạch hơn, Thủ tướng một lần nữa cam kết "tăng cường kiểm tra, giám sát có hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước và các ngân hàng thương mại".

"Việt Nam tự tin và những chính sách, biện pháp điều hành của mình, Nhưng,chúng tôi không hề coi thường những hạn chế, yếu kém, khó khăn, không thỏa mãn mà sẽ hết sức nỗ lực để đạt được những mục tiêu đã đề ra", Thủ tướng chia sẻ.

Năm 2013, Chính phủ sẽ đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững; từng bước nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh tế, xã hội để thu hút các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển. Tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Thủ tướng mong muốn các nhà tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành và hợp tác với Việt Nam trên chặng đường phát triển.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng về ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012.

"Kết quả này là nhờ có việc nhận định rằng ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên quan trọng, nhờ có cam kết chính trị mạnh mẽ đã giúp tạo ra những hành động quyết đoán", bà Victoria Kwakwa khẳng định.

Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra rằng, xu hướng tăng trưởng tiếp tục giảm xuống trong những năm qua – năm nay là tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999 - cho thấy nền kinh tế đang mất đi một số động lực mà những cản trở về cơ cấu đã và đang làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đánh giá rằng, các nguyên nhân kém hiệu quả về cơ cấu chính – doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngân hàng và tài chính yếu kém và đầu tư công kém hiệu quả đã được Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định rất rõ, vì thế theo bà Victoria Kwakwa: "hiện tại cần thiết phải có những cam kết chính trị, giải pháp và hành động. Những động thái này sẽ giúp tạo ra những thành công cụ thể ban đầu, tạo ra sự tự tin vào Chính phủ và vào thành công của những hành động về sau".

Cho biết chi phí để giải quyết những thách thức này sẽ cao, bà KwaKwa cho biết ở một số nước, chi phí giải quyết khó khăn trong khu vực tài chính cao đến mức 30-40% GDP.

"Không có giải pháp kiên quyết, Việt Nam cũng có khả năng gặp rủi ro rơi vào bẫy thu nhập trung bình với năng lực cạnh tranh thấp, với khả năng quay trở lại tình hình bất ổn định tái diễn làm nghiêm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng trong xã hội", bà KwaKwa cảnh báo.

Vì thế, "Các hành động quyết đoán và tin cậy có thể thu hút các nguồn lực tư nhân cần thiết để bổ sung các nguồn lực hiện có của Chính phủ và đó là nội dung mà chúng tôi và các đối tác phát triển có thể thảo luận để giải quyết những thách thức này", bà KwaKwa nhấn mạnh.

Phương Anh