Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vào chiều nay (ngày 01/10), trước câu hỏi của phóng viên về việc đề nghị làm rõ phương án sẽ đặt thêm một trạm BOT trên tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang), Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/04/2018, trên cơ sở báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về xét phương án, phân tích, đánh giá, lấy ý kiến các bộ, ngành, so sánh để chọn phương án phù hợp nhất để áp dụng, từ tháng 4 đến giờ, Bộ đã làm việc với rất nhiều cơ quan liên quan, đặc biệt đã đi kiểm tra một số lần, làm việc với cả Thường vụ Tỉnh uỷ Tiền Giang, lãnh đạo UBND, lãnh đạo các bộ, ngành như Bộ Công an, để so sánh, phân tích, đánh giá tác động của trạm thu phí.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018

Thứ trưởng Đông nhắc lại, việc huy động BOT cũng là một hình thức thu hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, việc làm tuyến tránh Cai Lậy trên cơ sở Quốc lộ 1 đi qua khu vực đó mở rộng không hiệu quả nên phải làm cả tuyến tránh và tăng cường hệ thống thoát nước, mặt đường của mặt đường cũ, vì vậy phải thu phí để hoàn vốn cho tất cả các hạng mục này.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định việc này đã được Đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội tổng kết, đánh giá và xác định không trái pháp luật, đặc biệt theo Nghị định 108, tức là việc này vẫn có thể làm để thu hút các nguồn vốn nâng cấp, cải tạo các tuyến đường.

“Việc nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư thì phải thu phí hoàn vốn. Chúng ta cũng đưa ra phương án Nhà nước có thể mua lại phần này nhưng Nhà nước không có tiền nên mới kêu gọi vốn và doanh nghiệp đã đầu tư thì nguyên tắc phải được thu phí để hoàn vốn, còn thu như thế nào thì phải đánh giá tác động và phải chọn phương án phù hợp nhất trong điều kiện đó”, Thứ trưởng Đông phân tích.

Theo Thứ trưởng Đông, Bộ Giao thông Vận tải đang so sánh 2 phương án.

Phương án một là giữ nguyên vị trí trạm BOT hiện hữu, giảm phí tối đa cho các phương tiện nhóm 1, từ mức 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận trạm thu phí 10 km.

Phương án hai là xây thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả hai trạm ở tuyến tránh và tuyến chính. Phương tiện lưu thông tuyến nào thu tuyến đó và hoàn vốn của tuyến đó, tuyến nào hoàn vốn thì dỡ trạm. Mức phí cả hai trạm bằng nhau và như mức phí hiện hữu, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10km quanh trạm.

Sau khi làm việc với Tiền Giang thì Tiền Giang cũng đề xuất phương án chia 2 trạm để đảm bảo công bằng hơn, và thu đúng để hoàn trả lại nguồn đầu tư.

“Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện các phương án này, sẽ tiếp tục đánh giá tác động và làm việc với các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Thông tin và Truyền thông… để quyết định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thông tin.

Ông Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, liên quan đến việc ùn, tắc, mất trật tự thì theo chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không phải chỉ riêng trạm này, tất cả các trạm thu phí BOT phải đảm bảo trật tự an ninh, có sự phối hợp với chính quyền địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, giao thông, đảm bảo trật tự./.