Theo dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu định hướng, chỉ đạo Hội nghị.

Thu hút đầu tư nước ngoài là cuộc chơi

Chia sẻ tại Tọa đàm Dấu ấn FDI do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, chính sách đổi mới được chính thức thực hiện từ Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986. Theo đó, chúng ta đã quyết định thực hiện công cuộc đổi mới, xác định chuyển đổi nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư.

Bối cảnh kinh tế lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn đó chỉ 4,4%, quy mô nền kinh tế năm 1989 là 6,29 tỷ USD, kinh tế khủng hoảng, lạm phát 3 con số, công nghiệp và nông nghiệp hầu như kiệt quệ, đất nước có hơn 90% là nông nghiệp nhưng lại thiếu lương thực…

Trước bối cảnh đó, Việt Nam đã có quyết định đúng đắn, chính xác và kịp thời, làm thay đổi nền kinh tế đất nước. Cũng trong giai đoạn này, mặc dù chưa hình dung được quy mô đầu tư nước ngoài nhưng chúng ta đã xác định xây dựng và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài.

Ở thời điểm đó, Việt Nam khuyến khích sản xuất hàng hóa thay thế hàng hóa nhập khẩu nhằm tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Số lượng và quy mô của các doanh nghiệp cũng như tính chất của từng dự án lúc này rất đơn sơ, nhỏ bé.

Đến giai đoạn tiếp theo, chúng ta bắt đầu tập trung vào vấn đề xuất khẩu để đảm bảo cán cân thanh toán, tránh nhập siêu; tập trung tạo ra các dịch vụ để thu hút và cân đối được ngoại tệ. Tiếp đến, Việt Nam tập trung vào công nghệ cao, công nghệ nguồn, thu hút đầu tư của những tập đoàn xuyên quốc gia.

Đến giai đoạn hiện nay, chúng ta tập trung sang định hướng khác, đó là phải đảm bảo phát triển bền vững, phải gắn kết với quá trình cải cách, quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn kết và tạo lan tỏa với các doanh nghiệp trong nước. Như vậy, mỗi giai đoạn giá trị của FDI khác nhau về tính chất, quy mô và đến nay nó đã thay đổi hoàn toàn so với các thời kỳ đầu.

Nhận định rằng, thu hút đầu tư nước ngoài là cuộc chơi, sự cạnh tranh giữa các quốc gia có nguồn lực giới hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quan điểm: ở đâu có môi trường đầu tư tốt, thể chế thuận lợi, thông thoáng, ổn định, mang lại lợi ích thì các doanh nghiệp FDI sẽ tập trung đầu tư.

“Do vậy, nếu chúng ta tạo mọi điều kiện thuận lợi với cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, thân thiện và tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư thì họ sẽ nhìn thấy hiệu quả và đến đầu tư”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Với vai trò là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ cảm ơn tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đã đến đầu tư và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

"Hiện nay, Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những cải cách về thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn để đồng hành cùng các nhà đầu tư. Từ đó, góp phần thu hút ngày càng nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển", Bộ trưởng khẳng định.

Hội nghị 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam - Nhìn lại để đi tiếp

Ngày 04/10/2018, ngày mai sẽ diễn ra Hội nghị 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới. Đây là sự kiện lớn.

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ trưởng Dũng cho biết, năm 1991, chúng ta đã tổ chức một hội nghị thu hút đầu tư FDI mang tầm quốc gia lần đầu tiên cho đến bây giờ chúng ta chưa tổ chức thêm một hội nghị nào như vậy. Hội nghị năm 1991 đã gây một tiếng vang lớn trong giai đoạn chúng ta bắt đầu thực hiện việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Lần này, chúng ta tổ chức hội nghị với hai nội dung lớn. Thứ nhất, chúng ta đánh giá những thành tựu và đề ra định hướng mới trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nội dung thứ hai khẳng định thông điệp của Chính phủ là tiếp tục coi đầu tư nước ngoài là bộ phận của nền kinh tế, tiếp tục cam kết thu hút đầu tư, tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và thông thoáng hơn để đồng hành cùng với các nhà đầu tư. Qua đó, thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam.

Với chủ đề “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”, Hội nghị dự kiến có sự tham dự của khoảng trên 2.500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; Các cơ quan đại diện ngoại giao; Hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài; Quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty tư vấn đầu tư; Chuyên gia kinh tế, các cơ quan nghiên cứu; Các cơ quan thông tấn, báo chí.

Nội dung chính của Hội nghị bao gồm phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tham luận của các Tổ chức quốc tế, Hiệp hội, nhà đầu tư và trao văn kiện hợp tác đầu tư.

Bên lề Hội nghị, Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương sẽ tiếp lãnh đạo các tổ chức, hiệp hội và nhà đầu tư.

Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ trưng bày các gian hàng Triển lãm thành tựu đầu tư nước ngoài với quy mô khoảng 100 gian hàng. Theo đó, một số hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, hiện vật sẽ được trưng bày nhằm giới thiệu một cách khái quát những thành tựu và kết quả đạt được về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong 30 năm qua (1988-2018), đặc biệt là những thành tựu trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Đây cũng là dịp để tuyên truyền, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh góp phần mở ra triển vọng và cơ hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các hoạt động kinh tế, dịch vụ và du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam và thương hiệu của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá các thông điệp về chính sách, định hướng chung đối với FDI và cơ hội đầu tư của Việt Nam cũng như của từng ngành, lĩnh vực và địa phương truyền tải tới cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Theo nội dung dự kiến, Hội nghị sẽ diễn ra các phiên thảo luận về quá trình hoàn thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam; Thách thức, cơ hội đầu tư trong quá trình hội nhập quốc tế; Tập trung đầu tư các cực tăng trưởng thúc đẩy liên kết, phát triển vùng; Kết nối và lan tỏa khu vực FDI và đầu tư trong nước; Thu hút FDI từ cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;…

Hội nghị cũng diễn ra các phiên kết nối hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, xây dựng - bất động sản, năng lượng tái tạo, hạ tầng và logisitcs, du lịch và dịch vụ, công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và tài chính - ngân hàng./.