Đầu tư nước ngoài là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với chủ đề "Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tổng kết 30 năm qua cho thấy, việc mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Sự nghiệp Đổi mới bắt đầu năm 1986, thì đến tháng 12/1987, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Có thể nói, thu hút đầu tư nước ngoài luôn “song hành” với sự nghiệp Đổi mới và là sự cụ thể hóa sinh động chủ trương “mở cửa” của đất nước.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 26.500 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD vào Việt Nam.

Đến năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm gần 20% GDP; đóng góp 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp; 70% kim ngạch xuất khẩu; sử dụng gần 4 triệu việc làm trực tiếp và 5-6 triệu việc làm gián tiếp.

Vui mừng về những thành tựu to lớn của đầu tư nước ngoài, Thủ tướng cho rằng, cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại, cả những thua thiệt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước và chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao. Một số dự án đầu tư nước ngoài tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; còn có biểu hiện báo lỗ - chuyển giá; đầu tư chui...

Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước ta nhìn chung là rất quý, nhưng có tranh thủ được nguồn lực này cho phát triển, nâng cao quốc lực của đất nước là trách nhiệm của chúng ta, Thủ tướng nêu rõ và khẳng định, khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang đồng hành cùng lớn lên với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những thành viên tích cực trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài.

Việt Nam sẽ thực hiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài với nội hàm mở rộng hơn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay, Việt Nam đang tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng; hiệu quả và sức cạnh tranh. Theo đó, quan điểm Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài sẽ mở theo hướng sau:

Một là, Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, nay Việt Nam thực hiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài với nội hàm mở rộng hơn.

Theo Thủ tướng, hợp tác đầu tư nước ngoài là không chỉ thu hút đầu tư nước ngoài, mà hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau (M&A), đặc biệt nhấn mạnh hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội (đây cũng chính là nội hàm của các hiệp định FTA thế hệ mới và là nền tảng phát triển bền vững).

Hợp tác đầu tư nước ngoài là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Hai là, Việt Nam mong muốn nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, nhà nước, xã hội và bảo vệ tốt môi trường.

Ba là, thúc đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, công nghệ chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Bốn là, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, lao động, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa cao.

Đồng thời, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài tiếp cận với các công nghệ tương lai của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để tạo ra giá trị gia tăng lớn. Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, chúng ta tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài để giải quyết lao động, việc làm ở các vùng nông thôn, miền núi. Còn khu vực thành phố phát triển, thị xã thì ưu tiên thu hút đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao… Đây là quan điểm nhân văn của phát triển bền vững, bao trùm, chia xẻ thành quả phát triển với mọi người dân.

Năm là, hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư có công nghệ mới sáng tạo, có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế để hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên kết với các tập đoàn đa quốc gia trong cụm liên kết ngành, từng bước tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn. Hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với lợi thế, quy hoạch địa phương, vùng, đảm bảo hiệu quả.

Sẽ có nghị quyết mới về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, bối cảnh khu vực, thế giới đang có nhiều biến động, cạnh tranh gay gắt, đan xen cả cơ hội và thách thức, Cách mạng Công nghiệp 4.0 lan tỏa mạnh mẽ tới từng doanh nghiệp, người dân. Với các quan điểm nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần là: giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điều không dễ, đòi hỏi phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về hợp tác đầu tư nước ngoài và triển khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn phát triển hạ tầng và đạo tạo nguồn nhân lực như các nhà tư vấn đã nêu.

Thứ hai, hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, đảm bảo sự tương thích, đồng bộ pháp luật giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xuất nhập cảnh, Luật Lao động… phù hợp với các cam kết quốc tế, nhất là các FTA thế hệ mới. Trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Thứ ba, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ....

Từ tư duy thụ động, bị nhà đầu tư nước ngoài vào “mua”, nay chuyển sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động “mua” lại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi. Bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được hưởng ưu đãi thì phải có đầu tư thực sự hiệu quả, kiểm chứng được trên cơ sở tiêu chí cụ thể; nhất là cam kết về đầu tư công nghệ cao, bảo vệ môi trường, khai khoáng có chế biến sâu...

Thứ năm, tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến.

Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài giữa các cơ quan trung ương và địa phương. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.

Trên cơ sở các quan điểm, nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần rà soát và hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực quản lý của mình.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện tốt hơn nữa công tác thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn, đánh giá cao các nhà đầu tư nước ngoài đã tin tưởng Việt Nam, lựa chọn Việt Nam và đã đồng hành, lớn lên cùng Việt Nam.

“Các bạn đã cùng chúng tôi vượt qua khó khăn và đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của Việt Nam trong suốt chặng đường 30 năm qua”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Chính phủ Việt Nam nhất quán và cam kết tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài và cam kết xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, mang tính cạnh tranh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn cao trong các Hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.

"Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Sự thành công của các bạn tại Việt Nam cũng chính là thành công, niềm tự hào của chúng tôi", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng trao Bằng khen cho các cá nhân và tập thể đóng góp trong quá trình xúc tiến phát triển FDI

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao các phần thưởng cao quý của Nhà nước cho các cơ quan, tập thể, cá nhân, các doanh nghiệp FDI có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã trao các văn kiện hợp tác đầu tư./.