Đầu tư công vẫn dàn trải

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu TP. Hà Nội khẳng định, thực tế đầu tư công vẫn còn việc đầu tư dàn trải dẫn tới nhiều dự án vẫn còn dở dang, thiếu vốn, mỗi tỉnh có một dự án không tạo thành quy mô trọng điểm.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu TP. Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận

Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, thực tế triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn vừa qua cho thấy, việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm, chưa bảo đảm tính ổn định, giao vốn nhiều lần, kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân, hiệu quả nguồn vốn; việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đặt ra; một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư.

Các đại biểu cũng nhận định, sở dĩ còn những tồn tại trên là do việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư công trong một số trường hợp chưa nghiêm; công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời.

Rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư công

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (tỉnh Đắk Nông) cho rằng, vấn đề bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án đường ven biển; cân đối bố trí vốn các công trình từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; phân bổ vốn dự phòng chung giai đoạn 2016 - 2020 cần tính đến dự phòng để xử lý những vấn đề cấp bách phát sinh; việc sử dụng vốn nước ngoài đầu tư xây dựng đường cao tốc cần thực hiện đúng các nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên tập trung vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án trọng điểm có quy mô lớn, có khả năng lan tỏa vùng, miền, tránh đầu tư dàn trải, cào bằng…

Các đại biểu khác cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục hạn chế trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư công; giải ngân vốn đã phân bổ, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân.

Góp ý thêm về các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, vốn dự phòng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần đổi mới phương thức bố trí vốn ODA để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án; cụ thể hóa phương án nguồn kinh phí, chống dàn trải, nợ đọng, "xin - cho" trong bố trí vốn đầu tư công trung hạn.

Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai vì đây là vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu, ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh và sự phát triển bền vững của đất nước; rà soát tổng thể để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm gây thất thoát, lãng phí đầu tư công.

Ý thức chấp hành pháp luật đầu tư công nâng lên rõ rệt

Phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước khi có Luật Đầu tư công, tình trạng đầu tư rất phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư không xác định được nguồn vốn, nhiều dự án dở dang... đã để lại hậu quả nặng nề và chúng ta đang phải xử lý hậu quả của giải đoạn trước. Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư công ra đời đã giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải, tuy chưa xử lý được triệt để, nhưng đã có những kết quả rất đáng ghi nhận.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình tại phiên thảo luận

Bên cạnh đó, “sau khi ban hành Luật Đầu tư công, chúng ta đã xử lý được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ sau 01/01/2015, nếu phát sinh nợ đọng cơ bản là vi phạm pháp luật. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về đầu tư công đã được nâng lên rõ rệt”, người đứng đầu ngành Kế hoạch va Đầu tư nói.

Tuy nhiên, việc áp dụng Luật Đầu tư công trong thực tiễn cũng có những hạn chế như các đại biểu đã nêu là giao vốn chậm, giao nhiều lần,... Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã xây dựng dự thảo luật sửa đổi để trình Quốc hội xem xét ban hành nhằm khắc phục những vướng mắc này với tinh thần vừa đẩy mạnh phân cấp, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu bộ ngành, địa phương, vừa quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thành lập các đoàn công tác làm việc với các bộ ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công…

Đề cập đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là bước mang tính đột phá rất lớn. Do trước đây xây dựng kế hoạch hàng năm nên đã xảy ra tình trạng “ăn đong”, xin cho, vốn ít dự án nhiều, dẫn đến dàn trải, nợ đọng…

Theo phương pháp hiện nay là làm theo kế hoạch 5 năm kết hợp hàng năm, tức là trong 5 năm có bao nhiêu tiền để chủ động chọn lựa dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiệu sao cho hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đây là kế hoạch, còn chi thực tế phụ thuộc ngân sách trên cơ sở thu thực tế hàng năm.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công trước đây quy định lập dự án rồi đi xin vốn, nhưng bây giờ phải xác định có bao nhiêu vốn mới lập dự án. Các bước tiếp theo là thẩm định quy trình, đưa vào kế hoạch trung hạn, quyết định chủ trương đầu tư, giao vốn hàng năm… là quy trình đã được ban hành chặt chẽ.

Kế hoạch 5 năm đã tránh tình trạng “cắt khúc”, tăng tính khả thi của kế hoạch, tăng được tính dự báo, giảm cơ chế xin cho. Tuy nhiên, cách làm này cũng có mặt hạn chế là khó điều chỉnh linh hoạt.

Ngoài ra, về nguồn lực, nhu cầu đầu tư phát triển của nước ta là rất lớn, nhưng khả năng ngân sách có hạn. “Đây là bài toán rất khó để cân đối và hài hòa được”, Bộ trưởng Dũng nói và kiến nghị cho phép sử dụng vốn dự phòng trong một số trường hợp cấp bách của các bộ ngành, địa phương./.