Quy trình, thủ tục phê duyệt dự án đã được thiết kế hết sức chặt chẽ

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - đoàn đại biểu quốc hội TP. Đà Nẵng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng) về quy trình phê duyệt dự án ODA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, do ODA là một nguồn ngân sách của nhà nước nên nguyên tắc sử dụng ODA vốn vay ưu đãi phải đảm bảo tính hiệu quả và phải nằm trong trần nợ công, nợ bội chi, nợ Chính phủ mà Quốc hội đã cho phép. Quy trình, thủ tục phê duyệt dự án đã được thiết kế hết sức chặt chẽ gồm 4 bước: Đề xuất dự án - Phê duyệt chủ trương - Quyết định đầu tư - Ký kết hiệp định và triển khai dự án. Bốn quy trình này đều phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên thực tế các quy trình này còn phức tạp hơn, bởi vì bên cạnh quy trình ở trong nước, chúng ta còn phải thực hiện các yêu cầu quy định của các nhà tài trợ nước ngoài nên thực tế thường kéo dài hơn. Thời gian chuẩn bị dự án không phải chỉ 6 tháng, trung bình hiện nay khoảng 2-3 năm, có những dự án lớn, phức tạp phải đến 5 năm mới có thể xong được các quy trình này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, chuẩn bị dự án càng kỹ, càng tốt, chất lượng càng cao thì khi triển khai thực hiện càng nhanh, càng hiệu quả và không làm phát sinh thêm chi phí. Bộ cũng đang hướng tới là phải tăng cường khâu chuẩn bị dự án để khi ký hiệp định thì lúc đó mới bắt đầu phát sinh chi phí như phí lãi vay và phí cam kết. Nếu chuẩn bị dự án không tốt khi thực hiện sẽ kéo dài, làm phát sinh thêm các chi phí đó.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Trả lời phần chất vấn của đại biểu Đỗ Thị Lan – Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Bộ cũng đang trong quá trình triển khai thực hiện theo đúng nghị quyết giám sát của Quốc hội để khắc phục những bất cập xung quanh việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới.

Theo đó, bên cạnh tổng kết rút kinh nghiệm, hoàn thiện tổng thể các quy định pháp luật còn xây dựng phương án công khai, minh bạch thông tin; xem xét hết sức thận trọng chất lượng tư vấn và vấn đề quan trọng nhất xử lý phối hợp giữa các bộ, ngành sao cho nhanh hơn, thuận lợi hơn, minh bạch hơn nhưng vẫn đảm bảo thận trọng theo quy trình pháp luật quy định.

Ưu tiên thu hút đầu tư cho Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ

Liên quan đến thu hút vốn ODA, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, cho biết, các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có vốn ODA. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết tỷ lệ vốn ODA dành cho 3 vùng nói trên chiếm tỷ lệ bao nhiêu so với các vùng khác, để trên cơ sở đó cử tri mong muốn Chính phủ có sự quan tâm nhiều hơn nữa trong việc cân đối các nguồn lực đầu tư hài hòa giúp cho Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ bớt khó khăn và từng bước phát triển.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ là 3 có điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn và có tỷ lệ hộ nghèo cao, có địa hình rất phức tạp nhưng hạ tầng rất yếu kém, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất lớn. Đặc biệt là rất khó thu hút đầu tư, cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Do vậy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đặt quan tâm, ưu tiên hàng đầu cho đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với 3 vùng này, kể cả phần ngân sách của Trung ương cũng như nguồn vốn ODA.

Nêu rõ theo Quyết định 251/QĐ-TTg, ngày 17/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ xác định các khu vực này là các khu vực ưu tiên, để thu hút đầu tư thì những năm vừa qua đã cải thiện và đã tăng dần các tỷ trọng cho 3 khu vực này, Bộ trưởng dẫn số liệu, vùng trung du và miền núi phía Bắc trong giai đoạn 2011-2015 chiếm tỷ trọng là 2,61%, đến 2016-2017 đã tăng lên 4,32%; khu vực Tây Nguyên tăng từ 1,5% lên 2,05%, vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng tương tự như vậy.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng tỷ lệ này đang còn thấp. Mặc dù nhiều dự án nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung vào các vấn đề y tế, an sinh xã hội, giáo dục và cải thiện kế sinh nhai, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nên quy mô rất nhỏ, tổng giá trị đang còn thấp.

Vì vậy, Bộ xác định trong thời gian tới sử dụng các nguồn lực, nhất là ODA, cùng với các nhà tài trợ, tiếp tục quan tâm để tham mưu cho Chính phủ để tăng những dự án ODA phù hợp với các khu vực này để có điều kiện phát triển tốt hơn, nhanh hơn.

Ngoài ra, cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Trương Minh Hoàng – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về việc cân nhắc cắt giảm thủ tục đối với điều kiện đầu tư kinh doanh để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Bộ trưởng cho hay, đây là vấn đề khó, phức tạp khi phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong những lĩnh vực pháp luật không cấm nhưng cũng phải đảm bảo công cụ quản lý nhà nước chặt chẽ về quốc phòng an ninh, về công nghệ, môi trường, sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, cùng với việc rà soát, sửa đổi Luật Đầu tư cũng như xây dựng định hướng thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài thời gian tới, Bộ sẽ ghi nhận và lưu ý rà soát các quy định liên quan./.