Khi chính sách ưu đãi không còn phù hợp

TS. Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM cho rằng: Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam hiện khá dàn trải và theo chiều rộng, bao gồm cả địa bàn, ngành nghề, quy mô doanh nghiệp…

Từ trường hợp cụ thể tỉnh Bắc Giang, TS. Đinh Trọng Thắng - Trưởng Ban Chính sách Đầu tư CIEM phân tích: Bắc Giang định hướng thu hút đầu tư là giải pháp then chốt để nâng cao tốc độ phát triển kinh tế; ưu tiên phát triển công nghiệp… Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án vào lĩnh vực chế biến, chế tạo và sản xuất linh kiện điện tử.

Tuy nhiên, hiệu quả ưu đãi đầu tư của Bắc Giang đạt được không cao, không tương xứng với những ưu đãi doanh nghiệp đã được hưởng. Các dự án được chấp nhận vẫn chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, rất ít dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp; quy mô vốn của dự án nhỏ, dự án của doanh nghiệp trong nước chỉ dưới 20 tỷ đồng, dự án FDI dưới 2 triệu USD.

Điều đáng lưu ý là có sự không bình đẳng giữa khối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Đơn cử, chi phí ưu đãi thuế của doanh nghiệp trong nước là 48,2 tỷ đồng, tương đương với 24,6% tổng số thuế phải nộp, nhưng chi phí ưu đãi thuế của doanh nghiệp FDI lên tới 545,9 tỷ đồng, tương đương với 71,7% tổng số thuế phải nộp.

Từ trường hợp của Bắc Giang, TS. Đinh Trọng Thắng chỉ rõ, đang có nhiều vấn đề trong chính sách ưu đãi đầu tư.

Thứ nhất, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực trong đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được vốn đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thứ hai, một số hình thức ưu đãi thuế đang trở thành “kẽ hở” để DN lợi dụng, trốn thuế.

Thứ ba, ưu đãi thuế tạo ra gánh nặng cho ngân sách.

Thứ tư, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam tương đối phức tạp do phạm vi ưu đãi (ưu đãi theo lĩnh vực và ưu đãi theo địa bàn, quy mô vốn) được quy định trong Luật Đầu tư 2014 là khá rộng.

Cụ thể, có tới 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được hưởng ưu đãi về đầu tư, trong đó có ưu đãi về thuế. Có hơn 300 loại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi thuế với các hình thức khác nhau. Ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế có thời hạn về thuế thu nhập doanh nghiệp là phổ biến nhất.

Toàn cảnh hội thảo

Lại đang để lại nhiều hệ lụy...

Dẫn lại nhận định của các tổ chức quốc tế về thu hút đầu tư tại Việt Nam, ông Đinh Trọng Thắng cho biết: “Oxfam cho rằng có rất ít bằng chứng chứng minh ưu đãi thuế theo địa bàn khó khăn là có hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu vực này, trong khi Ngân hàng Thế giới cho rằng chính sách ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế lại vô hình trung khuyến khích doanh nghiệp tránh thuế thông qua cơ cấu lại đầu tư thành dự án đầu tư mới để tiếp tục được hưởng ưu đãi”.

Về mặt thực hiện, các cơ quan quản lý không theo dõi sát sao quá trình thực hiện chính sách; không có đánh giá chi phí lợi ích và tác động của chính sách; thủ tục ưu đãi chưa minh bạch…

Còn chuyên gia ngân hàng, ông Phạm Xuân Hoè khẳng định, thì hệ quả của việc "quá sính ngoại" đã dẫn đến nguy cơ rất lớn khi mà xuất khẩu của khối FDI chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế.

Ông Hòe cũng khẳng định, nếu cứ tiếp tục ưu đãi thu hút đầu tư như hiện nay thì sẽ để lại hệ quả rất lớn về kinh tế vĩ mô.

Vị chuyên gia cho rằng, cần có cách nghiên cứu sâu hơn, đo lường kỹ tác động của FDI với ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và môi trường của Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chính sách đầu tư hiện nay chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đơn cử như ngành công nghiệp ô tô chủ yếu thực hiện lắp ráp, trong khi chuyển giao công nghệ rất ít. Ngành công nghiệp điện tử cũng chủ yếu là lắp ráp, nội địa hóa chỉ từ 10-20%.

Các ngành khác như: dệt may, da giày là ngành Việt Nam có thế mạnh, nhưng chủ yếu nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất là nhập khẩu nên giá trị gia tăng rất thấp.

Cần thiết kế chính sách ưu đãi đầu tư mới

Cho rằng, sự phức tạp trong chính sách ưu đãi thực sự đang đặt ra nhiều vấn đề, PGS, TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính, Bộ Tài chính) cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu giảm việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế. Thủ tục hành chính cho xem xét, quyết định ưu đãi thuế cần đơn giản và minh bạch hơn.

“Cần tính toán chi phí ngân sách với miễn giảm thuế; rà soát hệ thống pháp luật về ưu đãi thuế để đảm bảo tính nhất quán, tránh xé rào ưu đãi thuế của địa phương”, ông Vũ Sỹ Cường kiến nghị

Đồng tình với ông Cường, TS. Đinh Trọng Thắng cho rằng, cần thực hiện phân tích chi phí-lợi ích của ưu đãi thuế một cách thận trọng và mang tính dài hạn trước khi ban hành và sau khi thực hiện. Đặc biệt, cần rà soát lại toàn bộ các quy định pháp lý về ưu đãi thuế được quy định trong các Luật khác ngoài luật thuế để đảm bảo tính nhất quán trong ưu đãi. Tránh hiện tượng xé rào ưu đãi thuế của địa.

Ông Thắng đề xuất, cần thiết kế chính sách nhất quán giữa mục tiêu thu hút đầu tư và chính sách thu hút đầu tư; nhất quán giữa mục tiêu đầu tư và biện pháp thực hiện; tạo khung chính sách chung cho phép địa phương chủ động hơn trong các chính sách ưu đãi phù hợp với nhu cầu. Tổ chức theo dõi quá trình thực hiện ưu đãi; minh bạch hoá các ưu đãi, thủ tục nhận được ưu đãi; thực hiện đánh giá tác động của ưu đãi…

“Cải thiện môi trường đầu tư mới là điểm cốt lõi trong chính sách thu hút đầu tư hiện nay chứ không phải các cơ chế ưu đãi”, ông Đinh Trọng Thắng nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Thủy Trung thì cho rằng, cần có những ngành kinh tế mũi nhọn, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, khuyến khích chuyển giao công nghệ... và nên đưa vào luật để khuyến khích đầu tư.

"Chốt" lại, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Đầu tư càng tạo ra giá trị gia tăng cao thì sẽ tạo ra được một xã hội thịnh vượng. Nguồn lực dành cho đầu tư là vấn đề rất quan trọng. Nếu không chú ý thì đầu tư không những không đem lại hiệu quả mà còn làm héo mòn nguồn lực”./.