Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2012 tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện. Kinh tế đang chuyển biến đúng hướng, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã dần phát huy tác dụng.

CPI giảm không có nghĩa là kinh tế đang suy giảm

Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, thông thường chỉ số GDP không tính theo tháng mà ước lượng theo quý.

Theo lý thuyết, nếu có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp, thì mới có thể gọi là kinh tế suy giảm. Trong khi, ở Việt Nam, GDP các quý đều tăng trưởng dương, so sánh với các nền kinh tế trên thế giới, thì mức tăng trưởng GDP vẫn thuộc loại khá cao.

“Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế là có thấp hơn các năm trước đây, và thấp hơn so với kế hoạch. Nhưng, điều đó không có nghĩa là suy giảm kinh tế”, Chủ nhiệm Đam khẳng định.

Mặc dù 2 tháng vừa qua, chỉ số CPI đều âm. Cụ thể: CPI tháng 6: -0,26 và tháng 7: -0,29%. Nhưng theo phân tích của Chính phủ về lạm phát, nếu loại bỏ ra nhóm mặt hàng năng lượng và lương thực, phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài, không phải bản chất tài chính tiền tệ của nền kinh tế, thì thực chất lạm phát lõi 2 tháng 6 và 7 đều dương.

Theo ông Đam, chỉ số giá tiêu dùng đã giảm liên tục, có thể tháng 8 sẽ âm nếu tính cả năng lượng và lương thực. Lạm phát từ nay đến cuối 2012 không quá 7% nếu không tính đến biện pháp điều hành đặc biệt. Vì vậy, phải có chính sách linh hoạt sao cho vừa duy trì được tăng trưởng, vừa phải tiếp tục kiềm chế lạm phát.

Ông cho rằng, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng, nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì tăng trưởng. “Với một nước đang phát triển, thì thông thường lạm phát phải dương, nhưng nếu mức lạm phát ở mức 7% sẽ là mức tương đối cao”.

Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng chia sẻ, trong bối cảnh hầu hết vốn phục vụ sản xuất hiện nay đều phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng thì việc lạm phát giảm, tạo điều kiện cho lãi suất tiếp tục giảm là điều vô cùng quan trọng hiện nay.

“Điều hành vĩ mô hiện nay phải rất khéo léo, tránh tình trạng lạm phát ở mức quá thấp rồi liên tục đưa ra các biện pháp kích cầu khiến lạm phát lại “bùng” trở lại. Như thế sẽ vô cùng nguy hiểm” – Chủ nhiệm Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Vì sao chúng ta nên lạc quan?

Đúng vào thời điểm các thông tin về khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam, của nền kinh tế Việt Nam được bộc lộ, thì các tổ chức tài chính lớn trên thế giới lại liên tục phát đi những nhận định tỏ ý tin tưởng vào những quyết sách của Chính phủ nhằm phục hồi nền kinh tế. Tại sao lại như vậy? Và họ có lý không?

Lý giải cho điều này, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho biết, các tổ chức tài chính quốc tế và các chính khách đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam khá tốt, đặc biệt là họ nhìn thấy trong điều hành kinh tế của Chính phủ đã có những bước đi rất căn bản, điều hành kinh tế vĩ mô ổn định theo đúng nghĩa của nó. Nhiều giải pháp đưa ra nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ.

Vì thế, “Làm sao cho mục tiêu ngắn hạn của kinh tế vĩ mô không ảnh hưởng đến những mục tiêu dài hạn? Đây là lúc đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tái cơ cấu lại kinh tế, nếu chúng ta thực hiện không tốt thì nhiều dư địa xấu sẽ còn quay trở lại”, ông Đam nhấn mạnh./.

Lê Vân