Đó là những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Đắk Nông với chủ đề “Đắk Nông-Tiềm năng và cơ hội đầu tư” chiều 14/1/2019.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông ông Nguyễn Bốn cho biết, Đắk Nông có thế mạnh rất lớn về nông nghiệp, nhất là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Trong đó, một số loại cây hiện nay có diện tích và sản lượng lớn như: cà phê (hơn 120.000 ha), hồ tiêu (hơn 39.200 ha)...

Đắk Nông cũng có 2 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng và đi vào hoạt động, với diện tích hơn 327 ha.

“Đây là những điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư khi đầu tư vào các dự án tại địa phương”, ông Bốn nhấn mạnh.

Đến nay, tỉnh đã ban hành chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh Đắk Nông; chính sách cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến alumin, luyện nhôm; hoàn thiện hồ sơ công viên địa chất toàn cầu…

“Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh vẫn chưa thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn vào khai thác hiệu quả đầu tư. Do đó, tại hội nghị này, tỉnh mong muốn kêu gọi các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào tỉnh”, ông Bốn cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị, bày tỏ nhất trí với ý kiến các nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đắk Nông có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, du lịch, công nghiệp khoáng sản với khí hậu, thời tiết ôn hòa, văn hóa đa dạng, phong phú, có đến 66% diện tích là đất basalt, có trữ lượng bauxite lớn… Tuy nhiên, tỉnh chưa có khách sạn, khu du lịch nào xứng tầm để phát triển dịch vụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đắk Nông có nhiều tiềm năng

Cho rằng các tỉnh trong cả nước đều có thành phố trực thuộc, nhưng riêng Đắk Nông mới có thị xã, Thủ tướng đề nghị tỉnh nên quy hoạch phát triển đô thị, coi đây là một động lực phát triển và đánh giá cao việc Tập đoàn FLC có kế hoạch phát triển khu đô thị ở Đắk Nông theo định hướng xanh, sạch, sinh thái, có lợi cho người dân, môi trường, nếu được như vậy sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh.

Theo Thủ tướng, lối ra cho Đắk Nông đã được nhận diện tại Hội nghị và hoan nghênh, cảm ơn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến đầu tư, thể hiện sự quan tâm với tỉnh Đắk Nông.

Để phát huy “vẻ đẹp hùng vĩ” cũng như giữ gìn nét văn hóa độc đáo của Đắk Nông, Thủ tướng cho rằng, “chúng ta cần khơi dậy nguồn cảm hứng phát triển, xóa mặc cảm về định mệnh khó hoặc không phát triển, để từ đó chúng ta có tư duy mạnh mẽ, cảm hứng mạnh mẽ trong đầu tư phát triển”. Cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và cả nhà đầu tư cũng phải tiếp thêm động lực cho sự phát triển này.

Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là phải giải quyết tốt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Đắk Nông. Muốn vậy, tỉnh cần có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp để thực hiện điều này cho doanh nghiệp, hoặc thuê các tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương, không để tình trạng “sau Hội nghị này, thủ tục mãi không giải quyết, cứ kêu khó chuyện này, chuyện kia”. Tỉnh cần biến lợi thế mềm về môi trường kinh doanh trở nên nổi trội, để bù đắp các bất lợi khác như hạ tầng.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Đắk Nông triển khai một giải pháp đang là xu hướng của toàn cầu, đó là thúc đẩy thương mại phát triển, coi đây là chìa khóa then chốt của Đắk Nông. Cần xóa bỏ tư duy tự cung, tự cấp, tự sản xuất, tự tiêu dùng mà phải hướng tới sản xuất hàng hóa. Do đó, tỉnh cần đặt ra 3 câu hỏi, trước hết là sản xuất cái gì, không phải sản xuất cái mình có mà phải sản xuất cái thị trường cần. Thứ hai là sản xuất như thế nào, áp dụng công nghệ để sao cho năng suất, sản phẩm tốt nhất. Thứ ba là sản xuất cho ai, trước khi sản xuất cần nghĩ xem hướng tới đối tượng khách hàng nào?

Thủ tướng mong muốn sản xuất phải quan tâm bảo vệ môi trường, nếu để ô nhiễm môi trường là mất tất cả. Trước khi đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng công trình thì phải nghĩ tới vấn đề môi trường, đừng để tình trạng môi trường Đắk Nông đang tốt nhưng do phát triển sản xuất một số lĩnh vực mà ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Tỉnh cần tăng cường quản lý môi trường để giữ gìn một Tây Nguyên xanh, một Đắk Nông xanh.

Chứng kiến ký kết nhiều biên bản hợp tác đầu tư tại Hội nghị, Thủ tướng mong các nhà đầu tư “giữ lời”, thực hiện tốt cam kết của mình. Nhà đầu tư cần thực hiện phương châm “buôn có bạn, bán có phường”, cùng nhau đến Đắk Nông làm ăn, phát triển, phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương.

Thủ tướng cũng khẳng định cam kết của Chính phủ tạo mọi thuận lợi để Đắk Nông phát triển, có các cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký cam kết đầu tư vào tỉnh Đắk Nông

Tại Hội nghị, các nhà đầu tư đánh giá rất cao tiềm năng và lợi thế của tỉnh Đắk Nông, nhất là lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.

Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và ký kết biên bản cam kết đầu tư với các nhà đầu tư với tổng số tiền lên tới khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn FLC có cam kết đầu tư lớn nhất, khoảng 19.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Tập đoàn FLC cho biết, hệ thống chính quyền tỉnh đang có những cam kết mạnh mẽ trong xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch cùng nhiều chính sách ưu đãi. Tập đoàn FLC bày tỏ mong muốn nghiên cứu đầu tư các dự án vừa khai thác được vẻ đẹp thiên nhiên ưu đãi, vừa góp phần tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đồng bộ có tính kết nối cao với các tỉnh của Tây Nguyên. Một số doanh nghiệp khác thể hiện mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đánh thức tiềm năng “ngủ quên” của tỉnh khi Đắk Nông có tổng diện tích canh tác khoảng 588.000 ha, phần lớn diện tích là đất đỏ basalt màu mỡ./.