Sáng ngày 03/6, đại biểu Quốc hội đã biểu quyết về 3 nội dung lớn mà còn các ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Điều hành nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, căn cứ vào kết quả thảo luận tại hội trường ngày 28/5, để có cơ sở tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Đầu tư công thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến Quốc hội về ba nội dung, mỗi nội dung có hai phương án.

Kết quả lấy ý kiến đối với quy định về tiêu chí phân loại loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C

Giữ nguyên quy định hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia

Ở nội dung thứ nhất về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, Dự án A, B, C tại Điều 7 và Điều 10 của dự án luật được trình với hai phương án.

Phương án 1 là giữ nguyên như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án trọng điểm quốc gia là 10.000 tỷ đồng và tiêu chí phân loại dự án A, B, C như luật hiện hành.

Phương án 2, điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng và điều chỉnh mức vốn phân loại dự án nhóm A, B, C lên tương ứng gấp hai lần như quy định hiện hành.

Kết quả biểu quyết về phương án 1 là giữ nguyên như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án trọng điểm quốc gia 10.000 tỷ đồng và tiêu chí phân loại dự án A, B, C như sau:

Số đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến 429, bằng 88,64% tổng số đại biểu.

Số đại biểu Quốc hội đồng ý 367, bằng 75,83%.

Số đại biểu Quốc hội không đồng ý 57, bằng 11,78%.

Số đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến 5, bằng 1,03%.

Như vậy, Quốc hội đã chọn phương án 1 là giữ như quy định của Luật Đầu tư công hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng Quốc gia 10.000 tỷ đồng và tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C.

Kết quả lấy ý kiến đối Phương án I về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch ĐTCTH

Chưa thống nhất được về thẩm quyền xem xét danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn

Nội dung thứ 2 về thẩm quyền xem xét danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn được quy định tại Điều 59 của dự thảo luật. Có 2 phương án.

Phương án 1: là Quốc hội quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương trong trường hợp cần thiết thì Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn của các chương trình dự án đầu tư công và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất.

Phương án 2: là Quốc hội chỉ quyết định danh mục các dự án quan trọng Quốc gia và Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Giải thích thêm về phương án 2, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đây là phương án của luật hiện hành và được quy định tại các Điều 17, Điều 52 và khoản 2 Điều 65 và Quốc hội cũng thực hiện tinh thần này nên Nghị quyết 26 bám theo Luật Đầu tư công cho nên trong Nghị quyết 26 nói rõ là Chính phủ rà soát và trước khi quyết định thì xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Chính phủ quyết định và Chính phủ rất tha thiết muốn được giữ như phương án hiện hành. Đồng chí Thủ tướng Chính phủ cũng có văn bản gửi sang số 231 đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm để tạo điều kiện cho việc điều hành linh hoạt, kịp thời hiệu quả từ sát với thực tế đầu tư công.

“Chính phủ muốn giữ như quy định hiện hành là Chính phủ quyết định danh mục dự án còn Quốc hội chỉ quyết định danh mục của các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình trọng điểm quốc gia”, Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Kết quả biểu quyết Phương án 1: Quốc hội quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách trung ương trong trường hợp cần thiết, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định danh mục mức vốn của các chương trình dự án đầu tư công và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất cụ thể là:

Số đại biểu Quốc hội tham gia xin ý kiến 424, bằng 87,6% tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu Quốc hội đồng ý 234, bằng 48,35%.

Số đại biểu Quốc hội không đồng ý 174, bằng 35,95%.

Số đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến 16, bằng 3,31%.

Như vậy, phương án 1 chưa đạt quá bán, do đó, các đại biểu huyển sang biểu quyết cho phương án 2.

Kết quả lấy ý kiến đối Phương án II về thẩm quyền xem xét, quyết định danh mục dự án kế hoạch ĐTCTH

Phương án 2 là giữ như hiện hành. Quốc hội chỉ quyết định danh mục các dự án quan trọng quốc gia. Chính phủ quyết định danh mục các dự án chi đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Kết quả là có 206 số đại biểu Quốc hội đồng ý trên tổng số 423 đại biểu tham gia xin ý kiến, bằng 42,56%, chưa quá bán.

Với việc cả hai phương án trình đều không quá bán, thì Quốc hội sẽ phải có những bước tiếp thu giải trình cho phù hợp.

Quốc hội khóa mới sẽ quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn mới.

Vấn đề thứ ba về thời gian trình và thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nội dung này được quy định tại Điều 59 của dự thảo luật có 2 phương án.

Phương án 1: Chính phủ trình Quốc hội dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn mới tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 của nhiệm kỳ để Quốc hội cho ý kiến. Quốc hội mới sẽ quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn mới.

Phương án 2: Giữ nguyên quy định của Luật Đầu tư công hiện hành là Quốc hội khóa trước quyết định kế hoạch của giai đoạn kế tiếp tại kỳ họp cuối năm của năm thứ 5 nhiệm kỳ.

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 318 trên 429 đại biểu tham gia ý kiến phương án 1 (bằng 88,64% tổng số đại biểu) đồng ý, bằng 65,7%.

Như vậy, Quốc hội đã đồng ý chọn phương án 1 là Chính phủ trình Quốc hội dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn mới tại kỳ họp thứ 5 của năm thứ 5 của nhiệm kỳ để Quốc hội cho ý kiến. Quốc hội khóa mới sẽ quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn mới./.