Cụ thể, như năm 2018 mới chỉ đạt được 63,2% vốn kế hoạch, 5 tháng đầu năm nay có được thúc đẩy nhưng vẫn còn chậm, nó có nhiều nguyên nhân, lý do.

Tình hình giải ngân của nguồn vốn ODA trong thời gian vừa qua còn chậm

Một trong những lý do đó là vấn đề khó khăn giữa nguồn vốn của ODA với nguồn vốn đối ứng không được bố trí phù hợp. Khi ký kết các Hiệp định để vay vốn nguồn vốn ODA này, các nhà cung cấp vốn ODA bao giờ cũng đề nghị yêu cầu phải có nguồn vốn đối ứng để giải quyết những vấn đề liên quan đến mặt bằng. Nếu xây dựng, các bộ, ngành địa phương cũng có cam kết phải có vốn đối ứng. Nhưng khi thực hiện, vốn đối ứng này chưa được giao cho các bộ, ngành và các địa phương để báo cáo đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đó là khó khăn.

Thứ hai, các dự án về nguồn vốn ODA có tính chất khác nhau. Có những dự án ODA triển khai giải ngân nhanh, nhưng cũng có dự án ODA giải ngân chậm do tiến trình khác nhau.

Giai đoạn đầu để thực hiện dự án mất thời gian từ những lĩnh vực khảo sát để triển khai thì bước ban đầu rất chậm, nhưng khi đi vào thực hiện thì giai đoạn giải ngân, nhưng lập kế hoạch lại không sát. Có những dự án có nguồn vốn để nhiều nhưng giai đoạn đầu chưa giải ngân được.

“Nhưng có những dự án đã đi vào giai đoạn thực hiện, cần nguồn vốn thì khi lập kế hoạch chưa đủ. Đây cũng thể hiện nhất là trong các dự án nguồn vốn ODA dùng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt đối với giao thông”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Trong giai đoạnh 2016 - 2020, tổng số nguồn vốn ODA dành cho các dự án về giao thông vận tải chiếm đến 50%. Như vậy, nguồn này bị giải ngân chậm.

Thứ ba, năng lực của các chủ dự án chưa đáp ứng được. Có những dự án năng lực của ban quản lý dự án có năng lực triển khai được nhanh, có những dự án ban quản lý dự án không có năng lực tốt để triển khai.

“Đó là chưa kể đến việc khó khăn vướng mắc nhất trong các dự án, đặc biệt là xây dựng là giải phóng mặt bằng. Phần lớn nguồn vốn ODA cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng là chủ yếu vấn đề giải phóng mặt bằng. Do đó, làm cho các dự án ODA giảm hiệu quả do kéo dài thời gian, biến động tỷ giá cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn ODA”, Phó Thủ tướng thẳng thắn.

Trong báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2018, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, các dự án ODA còn bộc lộ nhiều bất cập như hiệu quả sử dụng chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Các định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm.

Trên thực tế, trong 42 dự án của Bộ Giao thông vận tải có 27 dự án đội vốn, thêm 122.350 tỷ đồng và 97,27 triệu USD. Nhiều dự án điều chỉnh quy mô, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu. Như Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. HCM điều chỉnh vốn 3 lần, tăng hơn 6.800 tỷ đồng (tương đương 275,61%) so với ban đầu. Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mê Kông điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng 3.000 tỷ đồng. Dự án Thủy điện Huội Quảng đội vốn gần 5.800 tỷ đồng.

Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư hơn 29.900 tỷ đồng (tương đương 172,2%). Thậm chí, có dự án điều chỉnh liên quan đến các tiêu chí quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội. Đơn cử như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng hơn 200% từ 8.770 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng. Hoặc có cả tình trạng, một số dự án được điều chỉnh không đúng thẩm quyền, chưa đảm bảo quy định.

Việc phải thanh toán phần trong nước bằng tiền nước ngoài cũng khiến chi phí tăng lên. Dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình vay từ nguồn EDCF quy định thanh toán phần nội tệ bằng đồng won làm tăng giá trị vay 2.750 triệu won, tương đương gần 54 tỷ đồng. Dự án cầu Vĩnh Thịnh tăng 703 triệu won,tương đương 13,4 tỷ đồng./.