Văn bản nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện 1042, Bộ đã có văn bản hướng dẫn phân bổ chi tiết và triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2019, trong đó đề nghị một số giải pháp, tiến độ liên quan đến công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2019. Nhất là khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án dự kiến giao kế hoạch năm 2019 nhưng chưa được giao do chưa đủ điều kiện pháp lý.

Để hướng tới tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đầu tư công dự kiến tổ chức vào cuối tháng 9/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh tăng cường chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch, sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án hoặc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019.

Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng số vốn ngân sách nhà nước kế hoạch 2019 đã được giao là 294.219 tỷ đồng.

Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương 232.400 tỷ đồng, chiếm 78,99%; Vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu 19.598 tỷ đồng, chiếm 6,66%; Vốn chương trình mục tiêu quốc gia 17.985 tỷ đồng, chiếm 6,11%; Vốn trái phiếu chính phủ 9.684 tỷ đồng, chiếm 3,29%; Vốn nước ngoài 14.551 tỷ đồng, chiếm 4,94%.

Tại cuộc họp đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công ngày 19/8, Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, mức vốn giải ngân 7 tháng qua hơn 134.490 tỷ đồng, chỉ đạt 31,3% kế hoạch Quốc hội giao.

Là địa phương có số vốn đầu tư công giao lớn, TP. Hồ Chí Minh hiện cũng mới giải ngân được 26% trong tổng số 33.170 tỷ đồng của năm 2019. Tương tự, tỷ lệ giải ngân của Hà Nội cũng mới đạt gần 25% kế hoạch.

Vốn đầu tư công không chỉ giải ngân chậm ở các địa phương, mà còn "tắc" ở phía bộ, ngành. Hiện còn hơn 35.000 tỷ đồng chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương để trình Thủ tướng giao vốn, chậm 3 tháng so với yêu cầu.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, trong số vốn chưa giao này có 9.900 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), do chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định Luật Đầu tư công. Khoảng 2.400 tỷ đồng chưa giao cho các dự án thuộc chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các vùng do tháng 9/2018 Kiểm toán nhà nước kiến nghị không giao vốn vì không đúng với Quyết định số 1256 về phê duyệt chương trình này.../.