Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông cáo cho biết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo triển khai thu phí ETC tại các dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

Theo ý kiến của Phó Thủ tướng, việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức ETC đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017; Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ đạo tại Quyết định số 7/2017/QĐ-TTg, ngày 27/3/2017, Chỉ thị số 6/CT-TTg, ngày 27/2/2018, Công điện số 849/CĐ-TTg ngày 15/7/2019, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu ý kiến của Bộ Giao thông vận tải; chỉ đạo VEC có kế hoạch sớm chuyển các trạm thu phí trên các tuyến đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý sang thu theo hình thức ETC theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản trên.

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai hệ thống thu phí theo hình thức ETC, đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên, tiến độ triển khai hệ thống ETC còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Để sớm chuyển sang thực hiện thu phí theo hình thức ETC, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống ETC theo quy định.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về triển khai hệ thống ETC tại các dự án cao tốc do VEC quản lý.

Bộ cho biết hiện việc triển khai hệ thống ETC được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 dự án có tổng số 44 trạm đã cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2 có 33 trạm, hiện Bộ Giao thông vận tải đã lựa chọn được nhà đầu tư. Dự kiến sẽ lắp đặt và phấn đấu hoàn thành các trạm trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Trong đó, các trạm thu phí của nhà đầu tư tư nhân (dự án BOT) sẽ hoàn thành việc lắp đặt, vận hành hệ thống ETC trong năm 2019. Riêng các trạm trên tuyến cao tốc do VEC quản lý (là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) còn nhiều vướng mắc, rất khó hoàn thành tiến độ.

Nguyên nhân do việc đầu tư hệ thống ETC tại các dự án cao tốc do VEC quản lý được thực hiện theo phương án VEC sử dụng nguồn vốn của dự án để đầu tư, vận hành hệ thống ETC tại trạm, sau đó kết nối với trung tâm dữ liệu thuộc dự án ETC giai đoạn 1 do Bộ Giao thông vận tải đang triển khai.

Để dự án hoàn thành đúng tiến độ, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo, tạo mọi điều kiện để VEC tháo gỡ các vướng mắc nhưng đến thời điểm này chỉ có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình cơ bản đáp ứng tiến độ.

Các tuyến còn lại do nguồn vốn đầu tư của các dự án không còn nên VEC đề xuất phương án thuê đơn vị cung cấp thiết bị ETC tại trạm và sử dụng chi phí quản lý thu phí để trả chi phí này. Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất với đề xuất này, tuy nhiên tiến độ triển khai vẫn chậm, không đáp ứng yêu cầu.

Để đảm bảo tiến độ, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước đôn đốc, chỉ đạo VEC, chịu trách nhiệm triển khai hệ thống ETC tại các dự án của VEC quản lý... Đồng thời có giải pháp xử lý nghiêm trường hợp VEC triển khai không đảm bảo tiến độ…/.