Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự thảo Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Thông báo nêu rõ, Dự thảo Nghị định áp dụng cho các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), các dự án đầu tư có sử dụng đất...

Mặc dù dự thảo dựa trên cơ sở Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, ngày 17/3/2015, tuy nhiên chưa giải quyết triệt để việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

Hiện nay, pháp luật về đấu thầu và pháp luật về đất đai còn có sự mâu thuẫn, thiếu đồng bộ trong việc giao đất, đấu giá hay không đấu giá quyền sử dụng đất... Vì vậy, trong khi Luật Đất đai năm 2013 chưa được sửa đổi, dự thảo Nghị định cần được nghiên cứu để giải quyết được vấn đề bất cập nhất hiện nay là xác định giá đất trong trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát dự thảo Nghị định, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, tháo gỡ vướng mắc để đáp ứng mục tiêu phát triển, công khai, minh bạch, hiệu quả; khắc phục thất thoát, lãng phí, đặc biệt là tài nguyên đất đai.

Trước đó, báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 đã nêu ra nhiều bất cập trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai.

Theo đó, về giá đất, đến nay tất cả các địa phương đã xây dựng, ban hành và công bố công khai bảng giá đất. Tuy nhiên, việc xác định giá đất cụ thể còn vướng mắc trong áp dụng, các phương pháp xác định giá đất còn sai sót, hạn chế, không phù hợp với quy định và thực tế. Thời gian triển khai kéo dài, làm chậm thu vào ngân sách nhà nước, chưa phù hợp với giá thị trường gây thất thoát, dẫn đến khiếu nại của người dân bị thu hồi đất.

Báo cáo cũng nêu ra nhiều bất cập trong việc thực hiện các dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Theo đó, tại 53 địa phương, việc thanh toán còn bất cập dẫn đến chênh lệch giá. Hầu hết các dự án BT đều chỉ định thầu, thanh toán quỹ đất không quá đấu giá là không phù hợp, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Việc tạo nguồn lực từ đất đai đô thị cho công tác nâng cấp, cải tạo đô thị cũng chưa thực hiện được, chưa khai thác và phân bố hiệu quả nguồn lực từ đất đai đô thị, ảnh hưởng tiêu cực tới thực hiện công bằng xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo./.