Trong đó, có 128 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 311,92 triệu USD; có 28 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm gần 100 triệu USD.

Cũng như tình hình 9 tháng đầu năm, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ tiếp tục dẫn đầu có lượng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài lớn nhất với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 110,7 triệu USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư.

Tiếp theo là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ hai đạt 65,57 triệu USD và chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư.

Lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ đứng thứ ba với 59,35 triệu USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư.

Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.

Xét theo địa bàn, Việt Nam đã đầu tư sang 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.Trong đó, Australia là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với 140,63 triệu USD, chiếm 34,1% tổng vốn đầu tư.

Hoa Kỳ xếp thứ 2 với 22 dự án, tổng vốn đầu tư là 61,46 triệu USD, chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Tây Ban Nha, Campuchia, Singapore, Canada…

Trước sự khởi sắc của hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, một phần cũng nhờ công tác chuẩn hóa thủ tục đầu tư và việc hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp bối cảnh mới của các cơ quan quản lý, tạo sự thông thoáng và giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam./.