Những kết quả bước đầu

Sáng ngày 14/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, việc Chính phủ ban hành kịp thời chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 210/2015/NĐ-CP) được xem là yếu tố quan trọng nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nghị định 57/2018/NĐ-CP đã có nhiều quy định đặc thù nhằm thu hút tối da doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: doanh nghiệp thực hiện dự án trên cơ sở định mức hỗ trợ của nhà nước và được hỗ trợ sau đầu tư; đơn giản hóa thủ tục hành chính; hỗ trợ tập trung đất đai, tín dụng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhằm xã hội hóa dịch vụ công; vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống phát biểu tại hội nghị

Đại diện Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Vũ Duy Hưng cho biết, tổng số doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay là 9.235 doanh nghiệp. Vốn đăng ký bình quân là 17,8 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao hơn trung bình của cả nước là 10,2 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Trong, 9 tháng đầu năm 2019 có gần 1.500 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản thành lập mới, chiếm 1,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng tốt hơn giai đoạn trước.

“Đây được xem là kết quả bước đầu do tác động từ các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn được ban hành theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách khác”, ông Hưng khẳng định.

Doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng đầu năm 2019

Chia sẻ thực tiễn thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP tại tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Văn Lượng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, cho biết, Tỉnh đã thí điểm việc tích tụ ruộng đất (thuê đất của dân và cho doanh nghiệp thuê lại) tại xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý với diện tích 2,0ha và tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân với diện tích 21,6ha để cho doanh nghiệp An Phú Hưng thuê sản xuất rau quả sạch theo quy trình của Nhật Bản, để từ đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.

Bên cạnh đó, ban hành các đề án, cơ chế chính sách, bao gồm: Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2016-2020; đề án tích tụ ruộng đất để sản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao; đề án phát triển nông sản sạch theo chuỗi làm vệ tinh liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông nghiệp; Nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Cơ chế hỗ trợ, tuyển dụng lao động…

Tỉnh cũng thành lập Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Nhờ đó, đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và và sản xuất nông sản sạch trên địa bàn tỉnh như: Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao Hà Nam, Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân, Công ty TNHH Bejo - Hà Lan, Tập đoàn DABACO, Công ty sữa Campina Hà Lan, Công ty CP sữa Việt Nam - Vinamilk...

Doanh nghiệp vẫn gặp khó

Song song với kết quả đạt được, điểm lại tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn nhiều địa phương trong thời gian qua cho thấy, việc khuyến khích phát triển và thành lập mới doanh nghiệp ở khu vực nông thôn gặp nhiều khó khăn và gần như không đạt kế hoạch đề ra, nhiều địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới rất ít. Các địa phương yếu về nguồn lực và chưa tạo được những đột phá trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Bằng chứng là các hoạt động giao dịch hàng hóa từ đầu ra của nông, lâm và thủy sản đều phụ thuộc phần lớn vào thương lái thay vì hình thành nên những doanh nghiệp đầu mối.

Nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung là chính sách đất đai và tín dụng dành cho nông nghiệp chưa đủ thuyết phục.

Về chính sách đất đai, doanh nghiệp khó có quỹ đất “sạch” đủ lớn để đầu tư sản xuất nông nghiệp, ngại hợp tác, liên kết với nông dân để tích tụ ruộng đất, chưa có chính sách riêng về đất đai cho phát triển nông nghiệp-nông thôn đủ mạnh.

Trong khi đó, liên quan đến chính sách về tín dụng, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành (Nghị định 116/2018/NĐ-CP) để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại;

Hơn nữa, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực thi Nghị định 57/2018/NĐ-CP đến nay còn rất nhiều bất cập làm giảm hiệu quả của chính sách. Cụ thể, ở cấp địa phương, ngoài việc tuyên truyền thực hiện Nghị định, cấp tỉnh phải ban hành 05 chính sách, hướng dẫn theo đặc thù của địa phương mình. Tuy vậy, việc ban hành các văn bản này đang rất chậm so với yêu cầu của Chính phủ: chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù của địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp; chưa tỉnh nào ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai (không tính các cơ chế thí điểm cũ); 03/63 tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích đầu tư; 05/63 tỉnh ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; 04/63 tỉnh ban hành định mức hỗ trợ chi tiết.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn

Trên cơ sở những vướng mắc, khó khăn thực tế, ông Vũ Duy Hưng đề xuất, cần đơn giản hóa thủ tục cho vay vốn, cả thế chấp và tín chấp; sớm xác lập quyền tài sản trên đất nông nghiệp, bao gồm cả nhà lưới, nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu… để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn, mở rộng và nới các tiêu chuẩn để cơ sở sản xuất nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận có thời hạn lâu dài với đất đai; tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án.

Ngoài ra, các địa phương cần thực sự vào cuộc trong việc thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP. Cụ thể, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện và đặc thù của địa phương mình; tăng cường thông tin, tuyên truyền hơn nữa về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được với các hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước.

Dưới góc độ chính sách, để triển khai tích cực, hiệu quả Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Thứ trưởng Võ Thành Thống đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành tiêu chuẩn bò thịt, bò sữa và tiêu chí dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Bộ Công Thương ban hành bổ sung Danh mục sản phẩm phụ trợ được hỗ trợ sản xuất theo Nghị định 57; Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 8, Nghị định 57 về quy định các công trình trên đất được làm tài sản thế chấp vay vốn.

Đối với các địa phương, Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh, cần khẩn trương ban hành 05 chính sách đã được giao tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP. Đây là các hướng dẫn quan trọng, đảm bảo khi có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước có thể giải ngân hỗ trợ doanh nghiệp. Tích cực tuyên truyền, phổ biến Nghị định 57 hơn nữa tới cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục rà soát nhu cầu của doanh nghiệp và danh mục các dự án theo đúng đối tượng của Nghị định 57 đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ theo yêu cầu của Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.