Tổng cục Thống kê chiều ngày 27/12/2019 cho biết, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2019 đạt mức tăng 10,2% so với năm 2018, trong đó khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 17,3%, với tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay (46%).

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2019 đạt mức tăng 10,2% so với năm 2018

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục giữ đà phát triển, số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Riêng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa cải thiện nhiều, đạt 89,5% kế hoạch năm, tăng 5,8% so với năm trước, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2019.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý IV/2019 theo giá hiện hành ước tính đạt 669,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 2,3%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 18,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 6,7%.

Ước tính năm 2019, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 2.046,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm trước và bằng 33,9% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 634,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 31% tổng vốn và tăng 2,6% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 942,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 46% và tăng 17,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 469,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% và tăng 7,9%.

Tốc độ phát triển và cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện

giai đoạn 2016-2019 (Theo giá hiện hành)

Tổng số

Khu vực
Nhà nước

Khu vực
ngoài Nhà nước

Khu vực có
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Tốc độ phát triển

Năm 2016

108,9

107,3

109,5

110,4

Năm 2017

112,3

106,9

117,1

112,8

Năm 2018

111,2

103,8

118,5

109,8

Năm 2019

110,2

102,6

117,3

107,9

Cơ cấu

Năm 2016

100,0

37,5

38,9

23,6

Năm 2017

100,0

35,7

40,6

23,7

Năm 2018

100,0

33,3

43,3

23,4

Năm 2019

100,0

31,0

46,0

23,0

Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện năm 2019 ước tính đạt 342,9 nghìn tỷ đồng, bằng 89,5% kế hoạch năm và tăng 5,8% so với năm trước (năm 2018 bằng 92,1% và tăng 12,2%).

Cụ thể, vốn trung ương quản lý đạt 51,9 nghìn tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch năm và giảm 12% so với năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 291 nghìn tỷ đồng, bằng 90,3% kế hoạch năm và tăng 9,8% so với năm trước.

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 196,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8% kế hoạch năm và tăng 7%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, bằng 97,4% và tăng 15,2%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, bằng 105,1% và tăng 20,4%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/12/2019 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018.

Trong đó, có 3.883 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, tăng 27,5% về số dự án và giảm 6,8% về số vốn đăng ký so với năm trước; 1.381 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,8 tỷ USD, giảm 23,6%; 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 15,5 tỷ USD, tăng 56,4%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần có 2.136 lượt làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp gần 9,2 tỷ USD và 7.706 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị vốn góp là 6,3 tỷ USD.

Điều đáng mừng là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2019 ước tính đạt 20,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước.

Trong năm 2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án đạt 12.093,1 triệu USD, chiếm 72,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.818 triệu USD, chiếm 10,8%; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 880,8 triệu USD, chiếm 5,3%; các ngành còn lại đạt 1.953,7 triệu USD, chiếm 11,7%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm đạt 17.475,1 triệu USD, chiếm 77,5% tổng vốn đăng ký; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 1.160,1 triệu USD, chiếm 5,1%; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1.124,2 triệu USD, chiếm 5%; các ngành còn lại đạt 2.787,7 triệu USD, chiếm 12,4%.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7.086,7 triệu USD, chiếm 45,8% tổng giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2.751,8 triệu USD, chiếm 17,8%; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đạt 1.428 triệu USD, chiếm 9,2%; các ngành còn lại đạt 4.205,1 triệu USD, chiếm 27,2%.

Trong số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trực tiếp được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2019, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 3.668,8 triệu USD, chiếm 21,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 2.811,9 triệu USD, chiếm 16,8%; Trung Quốc 2.373,4 triệu USD, chiếm 14,2%; Singapore 2.100,9 triệu USD, chiếm 12,5%; Nhật Bản 1.820,7 triệu USD, chiếm 10,9%; Đài Loan 860,6 triệu USD, chiếm 5,1%; Thái Lan 562,3 triệu USD, chiếm 3,4%; Samoa 543,1 triệu USD, chiếm 3,2%.

Trong năm 2019, đã có 32 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Australia là nước dẫn đầu với 154,6 triệu USD, chiếm 30,4%; Hoa Kỳ 93,4 triệu USD, chiếm 18,4%; Campuchia 73,7 triệu USD, chiếm 14,5%; Tây Ban Nha 59,8 triệu USD, chiếm 11,8%; Singapore 48,1 triệu USD, chiếm 9,5%.

Về giải pháp nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân nhiều hơn, mặt khác hoạt động đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

Theo ông Lâm, hiệu quả đầu tư sẽ tăng lên đáng kể khi cơ cấu đầu tư tập trung vào một số ngành trọng điểm như thông tin và truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ do những ngành này có hiệu suất đầu tư tốt, mang lại giá trị gia tăng cao hơn các nhóm ngành khác. Đồng thời chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế./.