Theo văn bản, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có ý kiến kết luận rõ Dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời, làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà ga T3

Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, diện tích mặt bằng nhà ga khoảng 110.000 m2, mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.670 m, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mặt, thoát nước thải). Dự án được xây dựng trên diện tích 16,05 ha. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 10.990 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 3/2019, Bộ Giao thông vận tải đã có tờ trình kiến nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư và xem xét, chấp thuận cho ACV tổ chức thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 có khái toán tổng mức đầu tư 11.430 tỷ đồng bằng nguồn vốn tự có của ACV. Thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi đưa vào khai thác khoảng 43 tháng, tương đương với 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, ACV đề xuất xây dựng nhà ga hành khách T3 là nhà ga nội địa 2 cao trình (đi và đến tách biệt), công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, tổng diện tích sàn nhà ga khoảng 100.000m2, đồng thời mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.650m2.

ACV đề xuất thời gian từ chuẩn bị đầu tư dự án đến khi hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 43 tháng (dự kiến, từ quý IV/2018 đến quý II/2022).

Hiện tại có một số doanh nghiệp tư nhân đang đang xin đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn nhất. Đó là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - IPP; Hãng hàng không Vietjet; và Tập đoàn FLC./.