Dự án này thuộc nhóm A với tổng mức đầu tư dự án khoảng 2540,230 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội.

Dự án cầu Vĩnh Tuy sẽ được mở rộng gấp đôi, thực chất là xây một cây cầu khác có kết cấu tương tự cầu Vĩnh Tuy

Mục tiêu đầu tư xây dựng dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2 theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường vành đai II của thành phố Hà Nội; tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố Hà Nội.

Cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng quận Hai Bà Trưng, quận Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.

Về quy mô đầu tư, hoàn thiện toàn bộ mặt cắt (với một cây cầu nữa) với quy mô và hình dáng giống như cây cầu giai đoạn 1 (tim cầu giai đoạn 2 nằm song song và cách tim cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu sông Hồng 21,25m.

Dự án cầu Vĩnh Tuy sẽ được mở rộng gấp đôi, thực chất là xây một cây cầu khác có kết cấu tương tự cầu Vĩnh Tuy hiện nay, cách mép cầu cũ 2 m, dự kiến triển khai từ năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022.

Cụ thể, cầu được thiết kế vĩnh cửu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; điểm đầu dự án giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai quận Hai Bà Trưng, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn thuộc quận Long Biên; tổng chiều dài cầu và đường dẫn L = khoảng 3.504 m; chiều cao thông thuyền H = 10m; bề rộng thông thuyền B = 80m; mặt cắt ngang cầu B = 19,25 m (bao gồm: 4 làn xe; trong đó có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ).

Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, tổ chức giao thông... và hệ thống đường gom đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ có tổng chiều dài là 3.504 m, không phải giải phóng mặt bằng, do việc này đã được thực hiện khi thi công giai đoạn 1. Theo dự kiến, quý 3/2020, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà thầu, thi công trong hơn 1 năm và hoàn thành dự án vào tháng 12/2022.

Dự án này đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt quyết định đầu tư vào năm 2011. Năm 2017, Hà Nội chuyển sang đầu tư bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), sau đó giao Công ty Cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất dự án.

Hà Nội dự kiến sử dụng quỹ đất có diện tích 440 ha trên địa bàn các phường Long Biên, Cự Khối, Bồ Đề, Thạch Bàn (quận Long Biên) và xã Đông Dư (huyện Gia Lâm), thuộc khu vực đất bãi ngoài đê tả sông Hồng, nằm trong ranh giới quy hoạch phân khu đô thị N10 (khoảng 320 ha) và phân khu đô thị sông Hồng hiện đang quy hoạch, để thanh toán cho dự án và dự án nút giao khác mức giữa vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long.

Tuy nhiên, do Hà Nội đang nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu vực này theo chỉ đạo của Thủ tướng, nên chưa xác định được thông tin quy hoạch quỹ đất dự kiến thanh toán cho dự án.

Mặt khác, các dự án BT đều đang phải tạm dừng chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư, nên Công ty Him Lam cũng muốn ngừng nghiên cứu dự án này.

Do đó, ngày 28/6/2019, Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội đã có báo cáo gửi Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cho phép chuyển dự án sang đầu tư công và đã được thông qua./.