Cụ thể, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 222,67 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhà máy sản xuất của NutiFood Sweden AB tại Thụy Điển

Trong đó, có 70 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt 185,3 triệu USD (tăng 78,4 so với cùng kỳ) và 14 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 37,4 triệu USD (bằng 38,9% so với cùng kỳ năm 2019).

Điều đáng lưu ý là trong tháng 6/2020, đã có 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và 3 lượt dự án điều chỉnh, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 42 triệu USD, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù con số này tuy chỉ bằng 37,6% so với tháng 5/2020, nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp trên thế giới, thì đây cũng là con số không hề nhỏ.

Bên cạnh đó, trong tháng 5/2020, có một đại dự án của Việt Nam sang Đức. Đó là dự án của Công ty TNHH Vonfram Masan đầu tư sang Đức, với vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài lên tới 91,5 triệu USD.

Đây cũng là dự án đầu tư ra nước ngoài quy mô thuộc diện lớn nhất kể từ đầu năm tới nay.

Và do đó, Đức đã vươn lên là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, với 4 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 92,6 triệu USD, chiếm 41,6% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.

Tiếp đó, là thị trường Myanmar, với 38,3 triệu USD, chiếm 17,2%. Sau đó, mới đến Lào, Hoa Kỳ, Singapore…

Như vậy, trong gần 3 năm qua, doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam ngày càng mở rộng đầu tư sang các nước phát triển, thay vì trước đây xoay quanh ở các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, Myanmar... hoặc ở các nước kém phát triển hơn ở thị trường châu Phi.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong nửa đầu năm, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 lĩnh vực.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với 3 dự án cấp mới và 2 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký 137,9 triệu USD, chiếm 61,9%. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ xếp thứ 2, với tổng vốn đầu tư 33,8 triệu USD, chiếm 15,2%; tiếp theo là các lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ.

Lĩnh vực được "rót mạnh" ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sữa và dịch vụ viễn thông. Với ngành sữa, hàng loạt tên tuổi lớn của Việt Nam như Vinamilk, NutiFood, TH,... đã hợp tác, liên doanh, hoặc tự đầu tư ở các thị trường Thụy Điển, Nga, Mỹ, New Zealand,...

Theo nhiều chuyên gia, hoạt động đầu tư ra nước ngoài vẫn tăng dù Covid-19 là nhờ sự cởi mở của môi trường pháp lý đầu tư. Cụ thể, Nghị định 83/2015 cho phép các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài không cần phải xin giấy chứng nhận đầu tư mà chỉ cần hoàn thiện giấy chứng nhận đăng kí đầu tư là có thể bắt đầu dự án.

Đáng chú ý, Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT ra đời góp phần chuẩn hóa thủ tục pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài, vừa tạo thông thoáng, vừa giúp cơ quan quản lí nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam./.