8 tháng đầu năm, Nghệ An có tỷ lệ giải ngân cao nhất Vùng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn kế hoạch năm 2020 được giao (tại Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ) của 14 tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 73,641 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20,22% cả nước; trong đó: Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là: 42,35 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,9% cả nước; Nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương là 31,288 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,53% cả nước (vốn trong nước là 21,121 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,1% cả nước; Vốn ODA là 10,165 nghìn tỷ đồng, chiếm 26,41% cả nước).

Các địa phương đã giao vốn chi tiết kế hoạch 2020 là 77,06 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 104,65% kế hoạch 2020 đã được thông báo, trong đó giao cao hơn do giao tăng nguồn thu từ tiền sử dụng đất 5,7 nghìn tỷ đồng, chưa giao chi tiết vốn 2,3 nghìn tỷ đồng, trong đó chưa giao nguồn NSTW 673 tỷ đồng, chưa giao vốn cân đối 1,62 tỷ đồng.

Nguyên nhân số vốn Trung ương chưa giao chi tiết do các địa phương chưa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo quy định Luật Đầu tư công, chưa bổ sung vào quy hoạch địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến 30/8/2020 giải ngân vốn đầu tư công được giao trong kế hoạch năm 2020 của 14 địa phương là 36,54 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 49,6% so với dự toán được giao, cao hơn mức bình quân chung khối địa phương cả nước 49,1%, trong đó: vốn cân đối ngân sách địa phương đạt tỷ lệ giải ngân là 63,0% (cả nước 55%); ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 33,4% (cả nước 40%), Chương trình mục tiêu quốc gia là 37,67% (cả nước 47%), vốn nước ngoài là 22,7% (cả nước 19,34%).

Tỷ lệ giải ngân cao nhất là Nghệ An trên 75%, thấp nhất là 3 tỉnh Quảng Trị, Phú Yên và Khánh Hòa dưới 30%; phân loại trên 60% có 02 địa phương: Nghệ An 75% và Hà Tĩnh 60%; tỷ lệ giải ngân từ 50-60% có 2 địa phương: Thanh Hóa và TP Đà Nẵng; tỷ lệ giải ngân dưới 40% có 10 địa phương.

Nguồn vốn ngân sách trung ương vốn trong nước giải ngân thấp có 4 địa phương dưới 30% là: Thanh Hóa 22,6%, TP. Đà Nẵng 13,9%, Phú Yên 18,8%, Khánh Hòa 28%.

Vốn nước ngoài (ODA) giải ngân thấp, 3 địa phương dưới 10% là: TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bình Thuận; dưới 20% có 3 địa phương là: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Ninh Thuận.

Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An

2016-2020: Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản của Vùng được xử lý và kiềm chế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, năm 2020, Vùng có thể giải ngân đạt 100% vốn trong nước (khoảng 55-60 nghìn tỷ đồng).

Theo đó, số vốn kế hoạch năm 2020 còn lại cần tiếp tục giải ngân trong 4 tháng năm 2020 khá lớn, khoảng trên 35 nghìn tỷ đồng. Việc giải ngân hết số vốn năm 2020 là thách thức rất lớn, đòi hỏi từng địa phương trong vùng phải nỗ lực tối đa. Vì vậy, Bộ đề nghị các địa phương gửi Bản Kế hoạch cam kết giải ngân của từng dự án theo quy định để phối hợp theo dõi, đôn đốc. Tiếp tục báo cáo các khó khăn vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

Về giai đoạn đầu tư công trung hạn 2016-2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương trong Vùng đã tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Mức vốn kế hoạch của từng dự án không vượt quá tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 của từng dự án.

Bảng: Tình hình phân bổ vốn đầu tư công trung hạn kế hoạch 2016-2020 và hàng năm giai đoạn 2016-2020

Nguồn vốn

KH trung hạn giao đầu kỳ năm 2016-2020 (tỷ đồng)

Số trung hạn đã giao theo KH hàng năm 2016-2020

Tỷ lệ vốn trung hạn/thực giao

CẢ NƯỚC

1.210.000

1.449.000

119,7%

Vùng miền Trung

229.4000

275.6000

120%

Tỷ lệ (% so cả nước)

19%

19%

1. Vốn cân đối ngân sách địa phương

105.700

154.25

154%

2. Vốn NSTW

123.663

121.440

98,2%

- Vốn trong nước

90.077

84.951

94,3%

+ Trái phiếu chính phủ (bao gồm TPCP giai đoạn 2014-2016 chuyển sang)

20.308

19.793

97,4%

+ NSTW hỗ trợ theo ngành lĩnh vực

46.949

44.477

94,7%

+ NSTW hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia

21.128

20.679

97,8%

- Vốn nước ngoài (ODA)

33.626

36.489

108,5%

Điều đáng mừng là cơ chế lập kế hoạch đầu tư công được chuyển từ lập kế hoạch hằng năm sang kết hợp giữa xây dựng kế hoạch trung hạn với kế hoạch hằng năm, góp phần khắc phục tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc trong hoạt động đầu tư công.

Tổng nguồn vốn đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tính đến thời điểm hiện tại đạt tỷ lệ khá cao, bằng 120% tổng mức kế hoạch được Quốc hội quyết định.

Nguồn vốn đầu tư công 2016-2020 đã tập trung ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, nhất là hạ tầng khung kết nối vùng. Đầu tư một số công trình thủy lợi lớn cung cấp nước cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có tác dụng cắt lũ và chống sa mạc hóa cho khu vực miền Trung. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, nghiên cứu đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào phát triển các khu kinh tế, công nghiệp quan trọng của vùng. Đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đang từng bước được xử lý và kiềm chế. Tỷ lệ số công trình dự án hoàn thành đạt 65% (khoảng 530 dự án), số dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 khoảng 394 dự án, nhu cầu còn lại khoảng 31,2 nghìn tỷ đồng.

2021-2025: Tổng nhu cầu nguồn NSNN gấp 3,1 lần giai đoạn 2016-2020

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, tổng nhu cầu nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 713,9 nghìn tỷ đồng, gấp 3,1 lần so với giai đoạn 2016-2020.

Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương: 273 nghìn tỷ đồng, gấp 2,58 lần so với trung hạn 2016-2020, bao gồm: Thu từ sử dụng đất: 114 nghìn tỷ đồng, gấp 3,5 lần; Thu từ nguồn thu xổ số kiến thiết: 12 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần.

Nguồn vốn ngân sách trung ương: 440 nghìn tỷ đồng, gấp 3,55 lần, trong đó: Vốn ngân sách trung ương hỗ trợ theo ngành, lĩnh vực: 290 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 6 lần (1.956 dự án); Ngân sách trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia: 50 nghìn tỷ đồng, gấp 2,3 lần.

Vốn ngoài nước dự kiến bố trí cho 192 dự án, số vốn: 100 nghìn tỷ đồng, gấp 2,9 lần (bố trí vốn cho 91 dự án đã có trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 26 nghìn tỷ đồng).

Nhu cầu bố trí dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 dự kiến bố trí cho 394 dự án: 31,2 nghìn tỷ đồng; Đăng ký dự án khởi công mới giai đoạn 2021-2025 dự kiến bố trí cho 1.313 dự án: 340,4 nghìn tỷ đồng.

Về nhu cầu giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc xác định nhu cầu đầu tư của vùng là khá cao so với khả năng cân đối nguồn vốn NSNN và chưa phù hợp với khoản 2 Điều 55 Luật Đầu tư công năm 2019. Theo đó, nhu cầu vốn NSNN giai đoạn 2021-2025 của vùng cao gấp 3,1 lần so với số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2016-2020 (229 nghìn tỷ đồng).

Mặc dù đã xây dựng được nhu cầu cho các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và các khâu đột phá giai đoạn tới vẫn còn dàn trải, chưa tập trung và chưa đánh giá tình hình, kết quả thực hiện đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để làm cơ sở đề xuất nhu cầu 2021-2025.

Riêng về nguồn vốn ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương rà soát các dự án hoàn thành chưa bố trí đủ vốn, các dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2016-2020, các dự án đã ký hiệp định nhưng chưa được giao vốn trung hạn và các dự án đang hoàn thiện thủ tục ký hiệp định dự án để xây dựng nhu cầu vốn đảm bảo phù hợp với tình hình thực hiện và yêu cầu của nhà tài trợ.

Nhu cầu vốn đầu tư công năm 2021 của Vùng bằng 188% so với kế hoạch năm 2020

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư công năm 2021 của các địa phương là 138,7 nghìn tỷ đồng, bằng 188% so với kế hoạch năm 2020; trong đó tăng cao nhất là nguồn ngân scsh trung ương hỗ trợ theo ngành lĩnh vực gấp gần 4 lần và nguồn chương trình mục tiêu quốc gia gấp 1,5 lần.

Theo báo cáo các địa phương, số vốn yêu cầu đề hoàn thành số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang năm 2021 là 31,15 nghìn tỷ đồng cho 394 dự án, trong đó có 6,77 nghìn tỷ đồng còn thiếu của Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Nhận xét chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhu cầu vốn đầu tư công năm 2021 quá lớn so với khả năng cân đối, gấp 1,8 lần, trong đó nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ theo ngành lĩnh vực gấp gần 4 lần và nguồn chương trình mục tiêu quốc gia gấp 1,5 lần.

“Vốn cân đối ngân sách địa phương tăng 1,4 lần, trong đó thu tiền sử dụng đất năm 2021, tiền sổ số kiến thiết trong điều kiện dịch bệnh, nhu cầu đất cho đầu tư bất động sản du lịch, nhà đất khó khăn, việc dự kiến số thu tiền đất cao hơn năm 2020 là khó khả thi, đề nghị các địa phương tính toán lại”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu.

Khả năng nguồn ngân sách trung ương bố trí năm 2021 bố trí đủ cho số còn thiếu của trung hạn giai đoạn trước và bố trí thêm để đầu tư cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành, chỉ cho phép khởi công mới các dự án thật sự quan trọng, cấp bách có tầm quan trọng, là động lực cho tăng trưởng của tỉnh, vùng.

“Do đó, đề nghị các địa phương rà soát lại, tính toán sát số thu tiền đất, xổ số kiến thiết, căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí của Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 để dự kiến phân bổ, số dự kiến trước mắt vốn hàng năm lấy bằng bình quân 5 năm 2016-2020. Sau khi số kế hoạch đầu tư năm 2021 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo số kiểm tra”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh./.