Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện, giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài ngày 29/10/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ rõ 7 khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: VGP)

Đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020

Bộ trưởng cho biết, tại Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 về giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020, số vốn nước ngoài Thủ tướng Chính phủ đã giao là 60.000 tỷ đồng (các bộ, cơ quan trung ương: 21.516 tỷ đồng, các địa phương: 38.484 tỷ đồng). Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020. Tuy nhiên, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm phân bổ như TP. Hồ Chí Minh đến tháng 4/2020 mới giao chi tiết.

Căn cứ đề xuất giảm và phương án điều chuyển kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương, ngày 23/10/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1638/QĐ-TTg về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Cụ thể, đã điều chỉnh giảm 591,151 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn và điều chỉnh tăng tương ứng 591,151 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương cho các dự án trong nội bộ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Điều chỉnh giảm 9.318,342 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đồng thời bổ sung 517,142 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2020 cho một số địa phương.

10 tháng đầu năm 2020: Phần lớn các bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân thấp

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31/10/2020 đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó số vốn giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương là 5.824 tỷ đồng đạt tỷ lệ 27,07% so với dự toán được giao; số vốn giải ngân của các địa phương là 12.256 tỷ đồng đạt tỷ lệ 31,87% so với dự toán được giao.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính ước đến ngày 31/10/2020, phần lớn các bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ Giao thông vận tải có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%. Các địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong 10 tháng đầu năm 2020, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đoàn công tác của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nhờ đó tình hình thực hiện và giải ngân vốn nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực. Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Nếu tính theo số vốn kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh theo Quyết định số 1638/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ thì mức giải ngân này đạt trên 35%.

Điều đáng lưu ý là một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn trả kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2020. Việc này đã gây sức ép lên NSNN trong các năm tiếp theo, giảm uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ.

Đặc biệt, vẫn có tình trạng chậm hoàn thành thủ tục rút vốn và chậm giải ngân với số vốn kiểm soát chi nhưng chưa giải ngân (trên 2.797 tỷ đồng) và khối lượng công việc đã hoàn thành nghiệm thu (khoảng 4.533 tỷ đồng) hoàn tất thủ tục rút vốn và giải ngân.

Đâu là nguyên nhân?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài

Thứ nhất, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Do hầu hết hoạt động của các dự án gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án, tổ chức đấu thầu; thiếu thiết bị, vật tư tại các công trường xây dựng, quy định giãn cách xã hội nên nhiều địa phương phải dừng thi công một số dự án… ảnh hưởng đến việc triển khai thi công các gói thầu xây lắp.

“Ví dụ Dự án “Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)” có trên 100 chuyên gia nước ngoài không đến được Việt Nam đúng theo kế hoạch, việc nhập khẩu thiết bị cho Dự án cũng bị ảnh hưởng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn chứng.

Thứ hai, những vướng mắc trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc áp dụng quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành hoặc các chủ trương chính sách mới của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Theo đó một số dự án phải:

(i) Điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và cập nhật dự toán xây dựng công trình và các chi phí phát sinh theo quy định mới tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này của Bộ Xây dựng;

(ii) Thực hiện rà soát, phân bổ lại dòng ngân sách chi đầu tư, chi thường xuyên theo tinh thần Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên;

(iii) Bổ sung vốn đối ứng cho phù hợp với giá đất mới của địa phương dẫn đến phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.

Thứ ba, công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không đảm bảo yêu cầu

Nhiều dự án do chuẩn bị đầu tư không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh chóng thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.

Nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án/điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn.

“Ví dụ Dự án “Đường sắt đô thị tuyến số 2 thành phố Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo” chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh Dự án”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa dẫn chứng.

Thứ tư, công tác lập, giao, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ODA còn chậm, chưa sát với tiến độ thực hiện và nhu cầu của các dự án

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 từ tháng 11/2019, tuy nhiên việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các dự án tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn chậm.

“Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch chưa sát với thực tế, tiến độ và khả năng giải ngân vốn, một số dự án gặp nhiều vướng mắc phải điều chỉnh dự án, nhưng vẫn đăng ký nhu cầu cao, vượt quá khả năng giải ngân thực tế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.

Thứ năm, vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng không thực hiện được, một số gói thầu đã triển khai nhưng không có mặt bằng thi công công trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai một số tỉnh Miền Trung” làm dẫn chứng cho vướng mắc này. Theo cơ quan này, việc thiếu vốn đối ứng để trả thuế VAT,… cho nhà thầu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc hấp thụ, giải ngân nhiều chương trình, dự án hiện nay. Việc cân đối vốn đối ứng ODA từ nguồn thu từ đất của nhiều địa phương tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp không bán được đất.

Thứ năm, khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ra 07 nhóm khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục như sau:

(1) Khó khăn trong việc xác định chi đầu tư và chi thường xuyên sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài: Việc tạm dừng thanh toán một số gói thầu tư vấn thực hiện dự án sử dụng vốn vay ODA do áp dụng không phù hợp với quy định tại Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ đã làm chậm, trong một số trường hợp ngừng thực hiện các dự án ODA.

Cụ thể Dự án “Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hoà Bình” không được giải ngân và có nguy cơ đóng dự án do chi phí tư vấn thực hiện dự án đề xuất sử dụng nguồn vốn vay ODA bổ sung của Chính phủ Đức đã không được chấp nhận.

(2) Quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư phức tạp: Từ đầu năm đến nay đã có 26 dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay tác động tới tiến độ thực hiện dự án do không triển khai các công tác đấu thầu xây lắp, giải ngân mà còn gây khó khăn cho việc bố trí kế hoạch.

Một trong những nguyên nhân chậm trễ, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là do quá trình điều chỉnh thường phải lấy ý kiến nhiều cơ quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, nhiều cơ quan chậm trễ trong việc có ý kiến (nhiều trường hợp từ 2 đến 3 tháng mới nhận được ý kiến của các cơ quan như dự án Phát triển hạ tầng du lịch do ADB tài trợ).

(3) Chậm trễ trong việc ký kết các hiệp định vay vốn, hợp đồng vay lại và cung cấp ý kiến tư pháp: Quá trình đàm phán các hiệp định vay với các nhà tài trợ, đặc biệt với các nhà tài trợ song phương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...) thường kéo dài, có trường hợp trên 03 năm. theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nguyên nhân chính do việc đàm phán các điều khoản về thuế theo quy định của Luật Quản lý Thuế và các văn bản hướng dẫn dưới Luật.

Ngoài ra, quá trình thẩm định cho vay lại đối với các cơ quan, đặc biệt là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập mất nhiều thời gian, có trường hợp Hiệp định vay đã ký song hợp đồng vay lại phải mất từ 01 đến 02 năm mới được ký kết, cụ thể:

+ Ngân hàng Thế giới (WB): Có 03 dự án với tổng số vốn vay 551 triệu USD chưa ký được hiệp định vay, chưa ký hợp đồng vay lại và 01 dự án trị giá 80 triệu USD đã ký hiệp định vay song chưa ký được hợp đồng vay lại.

+ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB): Có 03 dự án chưa ký hợp đồng vay lại trị giá 200 triệu USD.

+ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA): Có 06 dự án với tổng trị giá 70,014 tỷ yên (tương đương 783,498 triệu USD) chưa ký hiệp định vay và hợp đồng vay lại và 02 dự án đã ký hiệp định vay nhưng chưa ký hợp đồng vay lại

+ Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM): Có 04 dự án với tổng trị giá 252,202 tỷ won chưa ký hiệp định vay và 01 dự án đã ký hiệp định vay nhưng chưa ký hợp đồng vay lại.

+ Ngân hàng tái thiết Đức (KfW): Có 03 hiệp định vay vốn cam kết các năm 2016, 2017, 2019 với trị giá 667,75 triệu Euro chưa thể ký kết, chủ yếu do chưa đạt được sự thống nhất về vấn đề thuế.

Ngoài ra, việc cung cấp ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp để các hiệp định vay vốn có hiệu lực cũng kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Chẳng hạn, đối với các hiệp định vay vốn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), trên 80% các dự án cần trên 90 ngày mới có được ý kiến tư pháp để hiệp định vay có hiệu lực.

(4) Vướng mắc về ký hợp đồng vay lại với Bộ Tài chính:

+ Một số dự án gặp vướng mắc về thủ tục ký hợp đồng vay lại với Bộ Tài chính do quy định tài sản đảm bảo tiền vay lại ở giai đoạn thẩm định hồ sơ vay lại - trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 120% giá trị khoản gốc vay lại. Điển hình như 02 dự án trường nghề (UBND Thành phố Hà Nội) thuộc Dự án “Tăng cường lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

+ Việc thẩm định khả năng vay lại của các đơn vị sự nghiệp công lập còn kéo dài, thủ tục phức tạp làm chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án. Điển hình là việc triển khai các thủ tục vay lại và thẩm định các dự án thành phần thuộc Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học” do WB tài trợ kéo dài hơn 2 năm, bắt đầu từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2020 mới ký Hợp đồng vay phụ với Bộ Tài chính và tháng 5/2020 mới ký Hợp đồng vay lại với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Do thời gian kéo dài, WB đề nghị hủy 47 triệu USD vốn vay IDA cho dự án.

(5) Giải ngân đối với các dự án hỗn hợp (một phần cấp phát, một phần cho vay lại): Theo báo cáo của các địa phương, nhiều dự án không được Bộ Tài chính giải ngân phần vốn ODA do trung ương cấp phát dù đã được bố trí kế hoạch do chưa ký được Hợp đồng vay lại hoặc không có kế hoạch vay lại hoặc đã sử dụng hết hạn mức vay lại của năm 2020.

Ví dụ: Dự án “Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Sóc Trăng” giai đoạn 2, Dự án “Nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Sóc Trăng”, Dự án “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau” thuộc Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

(6) Thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn tại Kho bạc Nhà nước kéo dài:

Quy trình kiểm soát chi và giải ngân hiện nay mất khá nhiều thời gian, hồ sơ rút vốn được thực hiện từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, Bộ Tài chính đến nhà tài trợ chấp thuận, dẫn đến tỷ lệ giải ngân còn thấp. Theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án, một đơn rút vốn có đầy đủ hồ sơ hợp lệ không phải bổ sung, điều chỉnh cần 2-3 tháng để hoàn thành các thủ tục rút vốn, có sự trùng lắp, đặc biệt về công tác nghiệp vụ về kiểm soát chi và các thủ tục rút vốn, giữa Kho bạc Nhà nước các cấp và Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa thực sự chú trọng đến công tác giải ngân, hoàn tất các thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.

(7) Vướng mắc khác: Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số dự án có khả năng giải ngân với khối lượng lớn song do khó khăn, vướng mắc về xác định giá trị vay lại (Dự án “Xây dựng đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)”, do chưa đủ điều kiện để giao kế hoạch vốn nước ngoài (các dự án do VEC là chủ đầu tư). Trường hợp các khó khăn, vướng mắc nêu trên được giải quyết, dự báo trong năm có khả năng giải ngân thêm được khoảng 4.500 tỷ đồng chủ yếu từ một số dự án như Dự án “Xây dựng đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)” (2.185 tỷ đồng), Dự án “Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam (Bến Lức - Long Thành)” (378 tỷ đồng).

Thứ sáu, năng lực tổ chức thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, công tác tổ chức thực hiện một số dự án còn bất cập, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng; một số chủ đầu tư, Ban quản lý dự án còn bị động, lúng túng trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án và tiếp nhận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; việc phát huy, trao đổi kinh nghiệm trong việc tiếp nhận, triển khai các dự án ODA chưa được tận dụng; năng lực cán bộ làm công tác quản lý ODA còn hạn chế về chuyên môn mua sắm, đấu thầu, quản lý tài chính nhất là về ngoại ngữ nên khả năng trao đổi, đàm phán trực tiếp với cán bộ của nhà tài trợ còn khó khăn.

“Hiện nay, nhiều gói thầu đã được nhà tài trợ cung cấp thư không phản đối nhưng chưa hoàn tất thủ tục và ký kết hợp đồng, dẫn tới chậm trễ trong triển khai thực hiện dự án và giải ngân. Riêng các dự án do WB tài trợ tính đến tháng 9/2020 có 28 hợp đồng đã được WB phê duyệt, nếu được ký kết thì số vốn giải ngân ngay thông qua tạm ứng hợp đồng là 170 tỷ đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ví dụ.

Những giải pháp cần làm ngay

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong năm 2020 và các năm tiếp theo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị các giải pháp sau đây:

Một là, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2020 và Thông báo số 310/TB-VPCP ngày 27 tháng 8 năm 2020 với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; thường xuyên cập nhật, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tình hình thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Hai là, xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết các hợp đồng đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ.

Ba là, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đã nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp cụ thể sau:

(1) Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù cho phép các chuyên gia, tư vấn nhập cảnh với các điều kiện như áp dụng với các chuyên gia nhập cảnh ngắn hạn, có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với việc triển khai các chương trình, dự án.

(2) Giải quyết các vướng mắc về thể chế, chính sách, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đi đôi với cải cách hành chính:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2020 đối với quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, trong đó sửa đổi Điều 19 của Nghị định theo hướng quy định quy trình đơn giản, rút gọn đối với các dự án đề xuất kéo dài thời gian thực hiện mà không làm thay đổi các nội dung còn lại của Quyết định chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018, trong đó có quy định phù hợp về tài sản thế chấp, đơn giản hóa quy trình, thủ tục về thẩm định và ký hợp đồng vay lại, cơ chế giải ngân đối với các khoản cho vay lại của các dự án.

- Cho phép sử dụng vốn vay ODA cho các hoạt động tư vấn quốc tế thực hiện dự án, đào tạo chuyển giao công nghệ đã được thỏa thuận với nhà tài trợ, với các hiệp định vay đã ký kết trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nghiêm việc không sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, tham quan khảo sát hoặc mua sắm ô tô.

- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, về thời gian thẩm định đối với đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật. Trường hợp quá hạn không có ý kiến trả lời được hiểu là đồng ý và được tổng hợp trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

(3) Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và thiết kế dự án, tránh điều chỉnh chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư trong quá trình thực hiện.

(4) Đẩy nhanh tiến độ ký kết các hiệp định vay vốn, hợp đồng vay lại và cung cấp ý kiến tư pháp để đảm bảo sử dụng hiệu quả khoản vay:

- Bộ Tài chính có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp rút ngắn thời gian đàm phán, ký hiệp định vay vốn, thẩm định và ký hợp đồng cho vay lại. Kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với vấn đề vượt thẩm quyền của mình để có phương án xử lý.

- Bộ Tư pháp nghiên cứu rút ngắn quy trình và thời gian xem xét cấp ý kiến tư pháp.

(5) Về lập, giao, phân bổ điều chỉnh kế hoạch: Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm việc điều chuyển vốn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tránh tình trạng trả lại vốn, hủy dự toán sau ngày 30 tháng 9 năm 2020.

(6) Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm việc ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA, hạn chế cân đối từ nguồn thu từ đất.

(7) Về kiểm soát chi, rút vốn và thủ tục giải ngân:

- Bộ Tài chính khẩn trương hoàn tất các thủ tục để giải ngân hết số vốn kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước (chưa giải ngân tính đến ngày 31 tháng 8 năm 2020) trên 2.797 tỷ đồng của 16 bộ, cơ quan trung ương và 53 địa phương. Đồng thời khẩn trương thực hiện nhiệm vụ: (i) Rà soát, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu để rút vốn; sử dụng kết quả kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước các cấp trong việc phê duyệt các đơn rút vốn, thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 04 ngày làm việc; (ii) Tăng cường áp dụng phương thức thanh toán qua tài khoản tạm ứng thay vì thanh toán trực tiếp để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, thay tiền kiểm bằng hậu kiểm; cho phép các đơn rút vốn dưới 01 triệu USD được rút vốn qua tài khoản tạm ứng; (iii) Triển khai trong năm 2020 và các năm tiếp theo việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài từ NSTW và kế hoạch vốn nước ngoài cho vay lại một cách độc lập theo tinh thần của Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 19/10/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư trong năm 2019.

- Cơ quan chủ quản khẩn trương đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành thủ tục thanh quyết toán, không để dồn đến cuối năm. Các chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn chứng từ cho các khoản tiền đã rút vốn từ tài khoản đặc biệt.

(8) Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao./.