Ngày 29/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP

Đây là hội nghị lần thứ 3 trong 3 tháng qua mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì nhằm kiểm tra tình hình giải ngân cũng như tháo gỡ các vướng mắc khi giải ngân, một trong những yếu tố quan trọng tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 về giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020, số vốn nước ngoài Thủ tướng Chính phủ đã giao là 60.000 tỷ đồng (các bộ, cơ quan trung ương: 21.516 tỷ đồng, các địa phương: 38.484 tỷ đồng). Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020. Tuy nhiên, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm phân bổ như TP. Hồ Chí Minh đến tháng 4/2020 mới giao chi tiết.

Căn cứ đề xuất giảm và phương án điều chuyển kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương, ngày 23/10/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1638/QĐ-TTg về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Cụ thể, đã điều chỉnh giảm 591,151 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn và điều chỉnh tăng tương ứng 591,151 tỷ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương cho các dự án trong nội bộ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Điều chỉnh giảm 9.318,342 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đồng thời bổ sung 517,142 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2020 cho một số địa phương.

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31/10/2020 đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó số vốn giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương là 5.824 tỷ đồng đạt tỷ lệ 27,07% so với dự toán được giao; số vốn giải ngân của các địa phương là 12.256 tỷ đồng đạt tỷ lệ 31,87% so với dự toán được giao.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính ước đến ngày 31/10/2020, phần lớn các bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ Giao thông vận tải có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%. Các địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%).

Đề cập đến tiến độ giải ngân đầu tư công và vốn ODA thời gian, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, công tác này tuy có nhiều cố gắng, nhưng thực tế vẫn chậm.

Qua theo dõi, kiểm tra thì việc giải ngân nhanh hay chậm do cách làm, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu. Nếu làm quyết liệt thì hiệu quả cao, không thì chậm chạp. Có địa phương lập tổ công tác thường xuyên giao ban, tháo gỡ vướng mắc thì tốc độ nhanh hơn.

Bên cạnh đó là thể chế, pháp luật, giải phóng mặt bằng làm chậm. Ngay như giải ngân đầu tư công cho thấy, việc xây dựng kế hoạch dự án, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, giải phóng mặt bằng… triển khai đến 2-3 năm. Vốn ODA cũng gặp những vướng mắc tương tự. Vậy phải làm cách nào để rút ngắn thời gian lại?

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, một trong những giải pháp là Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần đánh giá lại rà soát của mình xem vướng mắc chỗ nào, tháo gỡ ra sao, trong đó có vốn ODA và giải ngân vốn đầu tư công. Điều này nói đi nói lại mãi rồi. Cần phải làm rõ cơ chế chính sách thế nào, sửa luật ra sao, cải cách hành chính nhanh hơn, hiệu quả hơn gắn với thể chế để đạt được yêu cầu của Thủ tướng về công tác này.

Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là giải phóng mặt bằng, chuẩn bị vốn đối ứng, phối hợp với các bộ và đối tác, tháo gỡ các vướng mắc, không để chậm trễ như thời gian qua như dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội), Thủ tướng đã chỉ thị ấn định cụ thể thời gian đi vào hoạt động. Càng kéo dài thì dễ sinh ra kiện tụng, tranh chấp.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc các địa phương trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công khi 9 tháng mới đạt tỷ lệ giải ngân 60%, còn lượng vốn rất lớn chưa giải ngân.

Ghi nhận quyết tâm của nhiều địa phương giải ngân ODA cao hơn nữa, Thủ tướng cho rằng, “chỉ khi nào chúng ta quyết tâm, đưa ra một mục tiêu cụ thể thì mới hành động được”, còn làm việc nửa vời thì không ổn.

Lấy ví dụ tỉnh Ninh Bình một tháng họp HĐND một lần để quyết định giá cả, quyết định chuyển vốn đầu tư, Thủ tướng lưu ý tình trạng có địa phương để 6-7 tháng không đề cập, Bí thư, Chủ tịch không đi kiểm tra đôn đốc, không đưa ra Ban Thường vụ để kiểm tra, phê bình, nhắc nhở. Phải rà lại các nguyên nhân xem chủ đầu tư, chủ dự án đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình hay chưa.

Thủ tướng nhấn mạnh, ODA là một nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Các bộ, ngành có trách nhiệm trong việc tìm nguồn lực để phát triển đất nước khi hiện nay còn nhiều vấn đề bức xúc về vốn mà nguồn ngân sách nhà nước chưa đủ như phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa xã hội, giao thông…

Các bộ, ngành, địa phương “phải để tâm vào” chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết tồn tại, bất cập. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 để nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ thực thi chính sách.

Thủ tướng yêu cầu, chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu. Lãnh đạo các cấp trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc các dự án đầu tư lớn để đẩy mạnh giải ngân.

Thủ tướng nhấn mạnh việc cương quyết thay, đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA.

“Các đồng chí theo dõi trong đó có vấn đề cán bộ không biết làm việc, cán bộ tiêu cực, cán bộ vì lợi ích nhóm mà không triển khai”, Thủ tướng phát biểu.

Các ngành, các bộ, địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA trong năm nay, trong đó cả việc tìm các nguồn hợp pháp để cân đối.

Thực hiện nghiêm việc điều chuyển vốn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trách tình trạng trả lại vốn quỹ dự toán. Không có công trình dự án, không cải thiện đời sống người dân thì làm sao phát triển đất nước, nếu không làm được thì điều chuyển việc khác, Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ nay đến cuối năm còn lượng vốn khoảng 41.000 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch Thủ tướng giao chưa được giải ngân. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn này.

Sau cuộc họp này, từng bộ, ngành, địa phương họp, rà lại để làm rõ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn từng dự án.

Các bộ, ngành phải tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp để làm rõ lộ trình, cách làm ODA thuận lợi, bài bản hơn, thống nhất hơn, từ đó lập kế hoạch ODA trung hạn 5 năm. Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm đơn giản thủ tục phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư. Sửa đổi Nghị định 56 nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện dự án và một số bất cập khác.

Hằng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng xem xét, điều chuyển nội bộ vốn ODA giữa các dự án trong bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các hiệp định vay sắp kết thúc năm 2020-2021. Cần chấm dứt tình trạng ghi danh mục mà không có dự án.

“Tôi đề nghị các đồng chí đứng đầu các cấp phải quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo, không thể chấp nhận có tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ cam chịu nghèo, khó khăn, đó là nghịch lý của sự yếu kém về quản lý của chúng ta, phải kiên quyết đổi thay”, Thủ tướng tin rằng qua hội nghị này, sẽ có chuyển biến mạnh mẽ hơn. “Cuối năm sẽ kiểm điểm xem tỉnh nào, thành phố nào làm tốt, phê bình tỉnh, địa phương nào chây ì, không làm tốt”./.