Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nhấn mạnh điều này tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020 chiều 30/10,

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31/10/2020 đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó số vốn giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương là 5.824 tỷ đồng đạt tỷ lệ 27,07% so với dự toán được giao; số vốn giải ngân của các địa phương là 12.256 tỷ đồng đạt tỷ lệ 31,87% so với dự toán được giao.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính ước đến ngày 31/10/2020, phần lớn các bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ Giao thông vận tải có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%. Các địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong 10 tháng đầu năm 2020, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đoàn công tác của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nhờ đó tình hình thực hiện và giải ngân vốn nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực. Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Nếu tính theo số vốn kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh theo Quyết định số 1638/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ thì mức giải ngân này đạt trên 35%.

Điều đáng lưu ý là một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn trả kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2020. Việc này đã gây sức ép lên NSNN trong các năm tiếp theo, giảm uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ.

Đặc biệt, vẫn có tình trạng chậm hoàn thành thủ tục rút vốn và chậm giải ngân với số vốn kiểm soát chi nhưng chưa giải ngân (trên 2.797 tỷ đồng) và khối lượng công việc đã hoàn thành nghiệm thu (khoảng 4.533 tỷ đồng) hoàn tất thủ tục rút vốn và giải ngân.

Trả lời tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020 chiều 30/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, theo báo cáo kết quả tháng 10 và 10 tháng, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện trên 68% kế hoạch giao, cao hơn 14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, so với 9 tháng cao hơn 10 điểm phần trăm.

“Điều này thể hiện kết quả một loạt giải pháp, chính sách Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện từ đầu năm. Đây là điểm khích lệ trong báo cáo kinh tế-xã hội 10 tháng năm 2020”, Thứ trưởng chỉ rõ.

Thứ trưởng chỉ rõ, từ đầu năm đến nay chúng ta đã triển khai giải pháp đúng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra và đã giải ngân được 68%.

“Chúng ta còn 3 tháng để thực hiện giải ngân 32% còn lại và Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ giải ngân cao”, Thứ trưởng phát biểu.

Về các nguyên nhân khách quan, theo Thứ trưởng Phương, khu vực miền Trung, một vùng kinh tế trọng điểm lớn của đất nước, đã chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai vừa qua, nhiều cơ sở hạ tầng, tiến độ thi công các dự án đầu tư công khu vực này bị ảnh hưởng nhiều, do vậy ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của vùng và tác động đến kết quả của cả nước.

“Tuy nhiên, với kết quả khả quan trong 10 tháng qua, trong những tháng cuối năm, với quyết tâm lớn của các bộ, ngành, địa phương, tiến độ giải ngân sẽ đạt kết quả khả quan”, Thứ trưởng khẳng định./.