Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về các dự án Cảng hàng không: Điện Biên, Phan Thiết và Nhà ga T3 - Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, đối với dự án Cảng hàng không Điện Biên, Phó Thủ tướng kết luận: Tại Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 02/8/2019 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao ACV triển khai đầu tư; trong đó, làm rõ thuận lợi, khó khăn và phương án triển khai.

Cảng hàng không Điện Biên sẽ được mở rộng với sự đầu tư của ACV

Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã tính toán các phương án và kiến nghị phương án giao ACV đầu tư toàn bộ Khu bay và Khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp trên cơ sở đất sạch được Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên thực hiện công tác giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn của tỉnh, bàn giao đất cho Cảng vụ hàng không để triển khai các thủ tục giao đất, thuê đất cho ACV triển khai dự án.

Hiện nay, ACV đang quản lý, khai thác 21 cảng hàng không trên toàn quốc, trong đó có Cảng hàng không Điện Biên. ACV có trách nhiệm tính toán hiệu quả khai thác tổng thể hệ thống cảng hàng không, thực hiện đầu tư, quản lý bảo đảm lợi ích cao nhất.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, ACV là doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, thống nhất giao ACV thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, bảo đảm quốc phòng - an ninh, hiệu quả tổng thể của hệ thống hạ tầng hàng không do ACV quản lý.

Phó Thủ tướng giao ACV lập dự án đầu tư và trình phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật có liên quan.

Trước đó, tại theo Văn bản số 268/HĐQT của ACV tiếp thu và giải trình các ý kiến đối với Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên (gọi tắt là Dự án Mở rộng cảng hàng không Điện Biên) gửi Bộ Giao thông - Vận tải, thì ACV đã đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư công trình quản lý bay đồng bộ theo quy hoạch đảm bảo khai thác và xem xét thuê tổ chức quốc tế có đủ năng lực để nghiên cứu, tính toán phương thức bay, đảm bảo tuyệt đối an toàn bay tại cảng hàng không Điện Biên trong mọi tình huống.

Tuy nhiên, để có thể nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, quy mô Dự án đã được co gọn đáng kể.

Cụ thể, thay vì đầu tư một nhà ga hành khách mới, quy mô 2 triệu lượt hành khách/năm, ACV cho biết sẽ tận dụng nhà ga hành khách hiện hữu có công suất khoảng 300.000 lượt hành khách/năm để cải tạo, mở rộng, đảm bảo khai thác khoảng 500.000 lượt hành khách/năm. Cách làm tương tự cũng được đơn vị đang khai thác cảng hàng không Điện Biên áp dụng cho Nhà điều hành cảng với mục tiêu thiết thực là kéo giảm chi phí đầu tư. Cùng với đó, sân đỗ máy bay cũng được tiết giảm đáng kể quy mô khi ACV chỉ thiết kế 1 vị trí đỗ tàu bay ATR72 và 2 vị trí đỗ tàu bay A320/A321.

Với quy mô đã được co gọn rất nhiều như trên, tổng mức đầu tư mới của Dự án Mở rộng Cảng hàng không Điện Biên chỉ còn 1.539 tỷ đồng, trong đó, chi phí đầu tư khu bay là 999,4 tỷ đồng, chi phí khu hàng không dân dụng là 256 tỷ đồng; phần còn lại là dự phòng phí.

Về cơ chế đầu tư, ACV muốn đầu tư toàn bộ khu bay và khu hàng không dân dụng bằng vốn doanh nghiệp trên cơ sở đất sạch được UBND tỉnh Điện Biên thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho Cảng vụ Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) để triển khai các thủ tục giao đất, thuê đất cho ACV triển khai Dự án.

Theo đề xuất sơ bộ của ACV gửi tới các cơ quan chức năng vào cuối năm 2019, sân bay Điện Biên sẽ được xây dựng mới đường cất - hạ cánh kích thước 2.400 m x 45 m, 2 đường lăn kết nối có khả năng đón được tàu bay A320/A321 hoặc tương đương; 1 nhà ga hành khách mới với 2 cao trình đáp ứng công suất 2 triệu hành khách/năm và các hạng mục phụ trợ; xây dựng sân đỗ với 6 vị trí đỗ tàu bay A320/A321 hoặc tương đương; đài kiểm soát không lưu kết hợp trung tâm điều hành chỉ huy bay; đài dẫn đường VOR/DME.

Khái toán tổng mức đầu tư Dự án Mở rộng cảng hàng không Điện Biên là 4.787 tỷ đồng, trong đó các hạng mục khu bay là 1.400 tỷ đồng; các hạng mục hàng không dân dụng 1.700 tỷ đồng; các hạng mục công trình đảm bảo điều hành bay dự kiến 155 tỷ đồng; chi phí GPMB 1.532 tỷ đồng do UBND tỉnh Điện Biên thực hiện. Tổng cộng phần vốn mà ACV tham gia trực tiếp vào Dự án khoảng 3.091 tỷ đồng.

Theo Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018, cảng hàng không Điện Biên là sân bay cấp 3C; giai đoạn đến năm 2020, công suất 0,3 triệu lượt hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2030 là 2 triệu lượt hành khách/năm. Đây cũng chính là cơ sở để ACV xây dựng phương án đầu tư cảng hàng không Điện Biên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vào cuối năm 2019.

Lý giải việc co gọn quy mô đầu tư, ACV cho rằng, sau khi đánh giá lại quy mô, tăng trưởng của thị trường, năng lực khai thác, phát triển các tuyến, mạng đường bay đi và đến Điện Biên, có thể thấy, việc đầu tư ngay nhà ga công suất 2 triệu lượt khách/năm theo quy hoạch là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mạnh quy mô, cấu trúc, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam, do đó đơn vị tư vấn đề xuất, trước mắt chưa xây dựng nhà ga mới theo quy hoạch.

Tuy nhiên, đây chưa phải là nguyên nhân chính khiến ACV thay đổi quan điểm đầu tư tại dự án này. Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) - đơn vị chủ quản phần vốn nhà nước tại ACV đã nhiều lần quan ngại về việc ACV tham gia đầu tư, do dự án này có tính khả thi tài chính rất thấp.

Cụ thể, theo CMSC, là hiệu quả tài chính của Dự án với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đối với các hạng mục do ACV đầu tư chỉ đạt 6%; giá trị hiện tại ròng (NPV) chỉ đạt 321 triệu đồng cho dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn hơn 50 năm, cho thấy công trình không có hiệu quả tài chính.

Tuy nhiên, ACV cho rằng, việc đưa cảng hàng không Điện Biên vào đánh giá riêng hiệu quả tài chính, hiệu quả đầu tư là không phù hợp, vì đặc thù ngành hàng không là điểm nối điểm theo vùng, nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào các điểm đến/đi và mang lại lợi ích cho nhau. Trong trường hợp thực hiện đầu tư sân bay Điện Biên, ACV vẫn có thể cân đối trên toàn mạng lưới cảng hàng không, đảm bảo hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.

Trên thực tế, trong số 21 cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác, chỉ có 7 cảng có lãi. Đơn vị chủ cảng phải bù đắp, san sẻ lợi nhuận cho các cảng có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng./.