Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết, so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng Mười Một và 11 tháng năm nay tiếp tục đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2020 ước tính đạt 54,5 nghìn tỷ đồng

Điều đáng mừng là vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng Mười Một ước tính đạt 10,6% so với kế hoạch năm 2020.

Tốc độ tăng/giảm vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng Mười Một so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2020 lần lượt là: tăng 9,5%; giảm 4,9%; tăng 4,5%; giảm 2%; tăng 16,7%; tăng 22,5%; tăng 10,2%; tăng 14,6%; tăng 9,1%; tăng 37,1%.

Tốc độ tăng/giảm vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 11 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2020 lần lượt là: tăng 10,3%; tăng 7,1%; giảm 0,2%; tăng 0,8%; tăng 9,6%; tăng 15%; tăng 7,5%; tăng 12,4%; tăng 7%; tăng 34%.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2020 ước tính đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý 11 nghìn tỷ đồng, tăng 51,3%; vốn địa phương quản lý 43,5 nghìn tỷ đồng, tăng 34%.

Tính chung 11 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 406,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 79,2% và tăng 7%).

Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 73,1 nghìn tỷ đồng, bằng 79,5% kế hoạch năm và tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước,. Những bộ có tốc độ giải ngân cao là: Bộ Giao thông Vận tải đạt 20.099 tỷ đồng, bằng 84,9% và tăng 70,2%; Bộ Y tế 4.705 tỷ đồng, bằng 70,5% và tăng 38,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3.737 tỷ đồng, bằng 80,2% và tăng 46,8%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 2.199 tỷ đồng, bằng 71,8% và tăng 83,8%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 1.025 tỷ đồng, bằng 64,9% và tăng 14,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 556 tỷ đồng, bằng 76,9% và tăng 5%; Bộ Công Thương 350 tỷ đồng, bằng 81,1% và tăng 65,4%; Bộ Xây dựng 306 tỷ đồng, bằng 86,2% và tăng 50,4%; Bộ Khoa học và Công nghệ 200 tỷ đồng, bằng 70,5% và giảm 18,7%; Bộ Thông tin và Truyền thông 101 tỷ đồng, bằng 73,3% và giảm 18,3%.

Vốn địa phương quản lý đạt 333,7 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3% kế hoạch năm và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 224,3 nghìn tỷ đồng, bằng 76,7% và tăng 27,8%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 92,4 nghìn tỷ đồng, bằng 83,5% và tăng 31,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 17 nghìn tỷ đồng, bằng 95,8% và tăng 27,4%.

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 11 tháng năm 2020 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 40.388 tỷ đồng, bằng 89% kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; TP. Hồ Chí Minh 35.275 tỷ đồng, bằng 73,7% và tăng 58,5%; Quảng Ninh 15.239 tỷ đồng, bằng 87,7% và tăng 46,9%; Bình Dương 11.826 tỷ đồng, bằng 79,3% và tăng 14,6%; Hải Phòng 10.357 tỷ đồng, bằng 71,7% và tăng 13,5%; Thanh Hóa 9.190 tỷ đồng, bằng 89,6% và tăng 29,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu 7.309 tỷ đồng, bằng 75,4% và tăng 20,5%; Nghệ An 7.066 tỷ đồng, bằng 91,1% và tăng 41,3%; Bình Định 7.010 tỷ đồng, bằng 86,1% và tăng 30,1%.

Nguyên nhân của kết quả trên là do các bộ ngành và địa phương đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình với mục tiêu thực hiện tối đa kế hoạch vốn được giao trong năm 2020.

Tuy nhiên, nếu không có sự quyết liệt vào cuộc của Chính phủ, thì kết quả liệu có được như vậy? Nhớ lại từ đầu năm đến nay, Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, nhiều cuộc họp giao ban để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ liên tục hối thúc, rằng không được để tình trạng có tiền mà không tiêu được, rằng phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất, sẽ có chế tài nghiêm, thật mạnh để xử lý những nơi chậm giải ngân…

Không chỉ họp trực tuyến, Chính phủ cũng đã thành lập các đoàn công tác để xuống từng địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho giải ngân vốn đầu tư công… Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương. Các đoàn công tác này do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số bộ trưởng làm Trưởng đoàn.

Theo đó, từ ngày 18/7/2020 đến ngày 31/8/2020, sẽ có 7 đoàn công tác xuống địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc và các vấn đề phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020.

Cụ thể, Đoàn công tác số 1 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn, kiểm tra các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai; một số địa phương vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đoàn công tác số 2 do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đoàn công tác số 3 do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Đoàn công tác số 4 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng đoàn, kiểm tra 2 Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số địa phương vùng Bắc Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ.

Đoàn công tác số 5 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng đoàn, kiểm tra các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo.

Đoàn công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương (không trùng với các đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ).

Đoàn công tác số 7 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương (không trùng với các đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ).

Không chỉ nỗ lực, quyết liệt từ Trung ương, mà ở các địa phương cũng thể, lãnh đạo tỉnh cũng thanh, kiểm tra, đốc thúc từng dự án, từng công trình… Nhờ những nỗ lực đó mà số vốn đầu tư công giải ngân được trong tháng 11 và 11 tháng đã đạt mức cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020. Giải ngân vốn đầu tư công tăng cao là một trong những động lực giúp nên kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay./.