Nhận định về tình hình thu hút FDI trong 11 tháng qua, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trong 11 tháng.

Tuy nhiên, Cơ quan này cũng khẳng định rằng, tuy vẫn giảm so với cùng kỳ song mức độ giảm đã được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp FDI đang dần hồi phục, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, tạo đà cho bước tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng cuối năm 2020.

Hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án FDI tiếp tục bị ảnh hưởng.

Số dự án mới, điều chỉnh vốn và cả số lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đều giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên mức độ giảm cũng đang được cải thiện, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng 7,8% so với cùng kỳ.

“Xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Điều đáng mừng là dù tác động của dịch bệnh là vô cùng nặng nề đối với nền kinh tế của nhiều quốc gia, song cán cân thương mại hàng hóa trong 11 tháng đầu năm 2020 tại Việt Nam tiếp tục xuất siêu 19,4 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,1 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,7 tỷ USD.

Tính tới 20/11/2020, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 17,2 tỷ USD

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính tới 20/11/2020, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 17,2 tỷ USD, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính đến 20/11/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt 26,43 tỷ USD, bằng 83,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó: vốn đăng ký mới: Có 2.313 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 33,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt 13,6 tỷ USD (giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2019). Có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 16,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,3 tỷ USD (tăng 7,8% so với cùng kỳ). Có 5.812 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 32,1% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp 6,5 tỷ USD (giảm 41,8% so với cùng kỳ). Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019 (từ 35,4% trong 11 tháng năm 2019 xuống 24,7% trong 11 tháng năm 2020).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,7 tỷ USD, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4,9 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 3,8 tỷ USD và 1,5 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.

Đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 8,1 tỷ USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD, chiếm 14 % tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,4 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan,…

Nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất (573 dự án); Trung Quốc đứng vị trí thứ hai (311 dự án); Nhật Bản đứng thứ ba (251 dự án); Hồng Kông đứng thứ tư (164 dự án);…

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng. Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt trên 3,8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư (trong đó đầu tư theo phương thức góp vốn, mua cổ phần chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 74,4% tổng vốn đầu tư của Thành phố).

Hà Nội đứng thứ 3 với 3,2 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư (trong đó vốn đầu tư tập trung nhiều vào phương thức mở rộng dự án hiện có và góp vốn, mua cổ phần chiếm lần lượt 39,2% và 40,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của Hà Nội).

Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng…

Nếu xét theo số lượng dự án mới thì TP Hồ Chí Minh dẫn đầu (865 dự án); Hà Nội đứng thứ hai (470 dự án); Bắc Ninh đứng thứ ba (136 dự án)…

Tính lũy kế đến ngày 20/11/2020, cả nước có 32.915 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 382,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 229,1 tỷ USD, bằng 59,8% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực./.

Một số dự án lớn trong 11 tháng năm 2020

Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 16/1/2020).

Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại Bà Rịa – Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ (giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cấp ngày 18/4/2020).

Dự án Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây (Hàn Quốc) tại Hà Nội, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 774 triệu USD (giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cấp ngày 29/6/2020).

(4) Dự án Pegatron Việt Nam (Đài Loan), vốn đầu tư 481 triệu USD với mục tiêu sản xuất thiết bị chơi game, phụ kiện điện thoại, loa thông minh, bộ điều khiển game; các loại máy tính tại Hải Phòng (cấp g ngày 30/10/2020).

(5) Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 21/1/2020)./.