Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 490,4 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó có 114 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 316,4 triệu USD (bằng 89,4% so với cùng kỳ) và 30 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là gần 174 triệu USD (tăng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019).

Metfone là doanh nghiệp của Viettel đầu tư vào Campuchia

Riêng trong tháng 11/2020, có 7 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và 2 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài, đạt 12,1 triệu USD (giảm 74,2%) so với cùng kỳ năm 2019.

Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 lĩnh vực. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với 11 dự án cấp mới và 7 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký 228,2 triệu USD, chiếm 46,5% tổng vốn đầu tư.

Lĩnh vực tài chính ngân hàng đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư 68,2 triệu USD, chiếm 13,9%; tiếp theo là các lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và bán buôn, bán lẻ.

Có 28 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020. Dẫn đầu là Australia với 13 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 101,8 triệu USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Đức đứng thứ hai, với 92,6 triệu USD, chiếm 18,9%. Tiếp theo là Lào, Hoa Kỳ...

Về hiệu quả đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, xét về lợi ích với quốc gia, hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ góp phần gia tăng ngoại tệ cho đất nước thông qua lợi nhuận chuyển về của các dự án, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp vào việc củng cố và phát triển quan hệ ngoại giao của quốc gia với các nước bên ngoài, cũng như góp phần củng cố an ninh, quốc phòng. Xét về lợi ích của doanh nghiệp, đây là cơ hội mở rộng thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển về nước khoản lợi nhuận khoảng 3 tỷ USD. Ngoài ra, khoản lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư là 363 triệu USD.

Bên cạnh phần vốn chuyển về nước, các doanh nghiệp Việt Nam cũng hình thành khối lượng tài sản đáng kể như nhà máy, cơ sở sản xuất giá trị hàng tỷ USD tại nước ngoài.

Song bên cạnh đó, cũng có những “trái đắng” trong đầu tư ra nước ngoài, một số dự án thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả, có tình trạng lách luật…

Vào tháng 10/2020, Báo cáo của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội (tháng 10/2020) trong lĩnh vực tài chính đã cập nhật hiệu quả hoạt động của các dự án đầu tư ra nước ngoài cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2019, có 19 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước có dự án đầu tư tại nước ngoài phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh có doanh thu, tổng doanh thu năm 2019 của các dự án tại nước ngoài là 7,18 tỷ USD.

Trong đó, phát sinh doanh thu chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu, viễn thông, lĩnh vực trồng và chế biến cao su.

Năm 2019, tổng lợi nhuận của các dự án đầu tư nước ngoài có lãi đạt 583 triệu USD, bằng 107% so với năm 2018 (548 triệu USD).

Trong khi đó tổng số lỗ phát sinh năm 2019 của các dự án đầu tư ra nước ngoài báo lỗ là 154 triệu USD, bằng 45% tổng số lỗ năm 2018 (352 triệu USD).

Theo đánh giá của Chính phủ đánh giá, lĩnh vực viễn thông, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ dầu khí, là các lĩnh vực có dự án phát sinh lãi; lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và khai thác khoáng sản có tỷ lệ dự án lãi thấp (11% và 17%). Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí có giá trị đầu tư cao, nhưng nhiều dự án không thành công, dừng, giãn tiến độ./.